Muôn kiểu lừa bán xe cũ người Việt: Ở nước ngoài thì...

Bán xe đã ngập nước, tua công-tơ-mét... chỉ là một trong số những chiêu lừa của giới buôn xe Việt.

132 1 Muon Kieu Lua Ban Xe Cu Nguoi Viet O Nuoc Ngoai Thi

Mua xe cũ cần rất cẩn trọng với những mánh lừa tinh vi.

Xe ô tô cũ là một trong những lựa chọn đáp ứng được nhu cầu "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" của người Việt. Giới buôn xe cũng tận dụng thị hiếu này mà có nhiều cách để nâng giá trị chiếc xe cũ càng cao càng tốt.

Một trong những chiêu thức để chiếc xe cũ có giá trị cao nhất là biến hóa chúng thành một chiếc xe gần như mới.

Tua công-tơ-mét là một "thuật" có thể phục vụ ý tưởng này.

Đồng hồ công-tơ-mét (odo) luôn là chỉ số được người mua xe cũ quan tâm nhất. Các yếu tố khác như chất lượng thân vỏ, nội thất chỉ là sự định tính tương đối.

Các xe bình dân như Toyota, Mazda, Hyundai tới những dòng xe sang như BMW, Mercedes-Benz, Audi... hiện đều có khả năng can thiệp và đủ máy móc, kiến thức để điều chỉnh odo theo mong muốn. Tua odo một chiếc xe sang tới từ châu Âu có thể khó và mất nhiều thời gian hơn so với xe Hàn và xe Nhật.

Với một chiếc BMW 3-Series chỉ mất khoảng hơn 10 phút để tháo rời bảng đồng hồ sau vô-lăng. 

Nhiều nhà kỹ thuật lý giải, việc tua odo lên/xuống đều không hề ảnh hưởng tới bất kì yếu tố kỹ thuật nào khác trên xe hơi. Bộ phận đo quãng đường đã đi thường được các hãng xe thiết kế dưới dạng một bộ đếm độc lập, dù là cơ hay điện tử cũng đều tách biệt với các cơ chế còn lại.

Tuy nhiên, việc thay đổi số km đã đi lại gián tiếp làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của xe, đặc biệt là với những dòng xe sang có nhiều chi tiết cần chăm sóc, bảo dưỡng. Sau một thời gian ngắn sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy ngay điều này.

Hơn nữa, khi số km sai lệch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn bảo hành của xe. Từ đó có thể gây hỏng hóc và trong quá trình sử dụng. 

Hơn nữa, tại thời điểm can thiệp vào odo, không thể biết rằng thợ sửa chưa có vô tình gây hỏng hóc dây chuyền sang các bộ phận khác hay không.

Ở các nước như Mỹ, Úc, Anh, nhiều vụ bán xe gian dối, tua số km ô tô đã bị phát hiện.

Hồi tháng 2/2018, hãng xe Ferrari đã dính phải bê bối dùng phần mềm chuyên biệt tua lại số km của xe dễ dàng về lại con số 0. Vụ việc chỉ được phát giác do chính cựu nhân viên một đại lý xe ở Florida khởi kiện. Lý do khởi kiện là nhân viên này đã phản đối hành vi phạm pháp của đại lý và bị sa thải. Sau vụ việc, Ferrari đã phải cam kết loại bỏ phần mềm tua km ra khỏi hệ thống đại lý ở Mỹ.

Tại Úc, một điều tra vào năm 2012 cho thấy mức độ vi phạm tua km phổ biến ở Nam Úc và Tasmania (một bang hải đảo) khi phát hiện ra hàng chục ngàn ô tô qua sử dụng dính dáng đến việc này, được rao bán trên 100 website thương mại.

Năm 2015 tại Anh, một gia đình tội phạm đã bị bắt với điều tra đã tua ngược km với ít nhất 255 chiếc xe. Tổng số ước tính nhóm này đã "hô biến" mất 4 triệu dặm (hơn 6,4 triệu km).

Những vụ việc tua odo như vậy bị xử phạt rất nặng.

Theo luật pháp Úc, những cá nhân phạm tội phải đối mặt với án tù 2 năm và phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 USD, tùy thuộc vào tiểu bang.

Cơ quan chức năng của Úc xác định, việc tua đồng hồ km có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người trên xe, bởi các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua với người dùng khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch và họ phải đối mặt với nhiều sự cố cũng như hao mòn không đáng có.

Theo cảnh sát Anh, dù phần lớn số odo được nâng cấp lên kiểm soát bằng điện tử nhưng việc tua km vẫn dễ dàng. Những kẻ chuyên nghiệp được thuê với giá khoảng 100 bảng (khoảng hơn 3 triệu VND) sẽ thực hiện theo yêu cầu giảm số km tùy thích. Chúng sẽ cắm máy tính vào ECU của xe hơi và tác động để số km giảm hay tăng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Cục Đăng kiểm, hiện tượng tua km ô tô cũ đã bị  phát hiện không ít trường hợp nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt.

Theo lời khuyên của cảnh sát và cả các chủ salon, khách hàng cần chọn được những showroom uy tín hoặc cần chọn được những nơi đủ tin tưởng để kiểm tra trước khi quyết định xuống tiền mua xe.

Điển hình một  khách hàng tại Hà Nội đã mua một chiếc Mercedes-Benz C250 Exclusive bị tua lùi odo. Điều đáng nói là khách hàng này đã đặt cọc tới 800 triệu đồng, một con số đặt cọc quá lớn trước khi đi kiểm tra xe.

Theo chủ một salon bán xe cũ, thông thường, mua một chiếc Mercedes-Benz C-Class chỉ phải đặt cọc khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, người mua xe nên tới xem xe, lái thử xe. Sau khi đã ưng ý thì bắt đầu thỏa thuận giá cả.

Đây là lúc mà bên bán xe đưa ra những cam kết về chất lượng. Sau khi đồng ý giá và đặt cọc, hai bên sẽ làm giấy chứng nhận đặt cọc và cam kết chất lượng xe có chữ ký bên bán.

Bước tiếp theo, khách hàng sẽ mang qua hãng xe hoặc nơi tin tưởng nhất để kiểm tra. Sau khi hài lòng về chất lượng xe thì thanh toán tiền và nhận xe. Nếu không hài lòng thì quay lại showroom trả xe và lấy lại tiền đặt cọc.

Sữa chữa xe ngập nước để bán lại

Xe ngập nước ở những vùng có triều cường như TP.HCM từng được mang ra miền Bắc để bán lại. Đáng nói, tùy từng mức độ ngập của xe mà sau khi đã "mông má" có thể sử dụng được, có thể bỏ đi khi mới dùng một thời gian ngắn.

Trong các trường hợp ngập nước, nhẹ nhất là ngập sàn xe. Lúc này nếu được khắc phục nhanh chóng đúng cách thì gần như không ảnh hưởng tới chất lượng tổng thể của xe.

Tuy nhiên, nếu ngập sâu hơn thì mọi chuyện sẽ khác.

Khi nước ngập sâu qua hút gió, bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là "trái tim" của xe - động cơ. Việc bổ động cơ không bao giờ được khuyến khích chưa nói đến trường hợp bị vào nước.

Nếu khắc phục không triệt để, xi lanh còn "ngậm nước" thì hiện tượng thủy kích cũng vẫn có thể xảy ra hay nhẹ cũng ảnh hưởng tới sự ổn định về lâu dài. Nếu phải thay toàn bộ cụm động cơ thì chi phí không hề rẻ.

Việc xe ô tô ngập nước cùng dẫn đến hệ thống điện của chiếc xe bị ảnh hưởng. Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.

Tình trạng nguy hiểm nhất là nước ngập đến nắp capo của xe. Bởi, trường hợp này hút gió cũng bị ngập.

Cho dù xe có được mang đi xưởng để xử lý, nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh, thì vẫn có nguy cơ xy-lanh "ngậm" nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Nếu xe bị thủy kích thì nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên và nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ.

Trường hợp không bị thủy kích, nhưng nguy cơ xy-lanh "ngậm" nước, cũng sẽ làm cho lòng xy-lanh có thể bị gỉ. Như vậy, động cơ sẽ "uống xăng như uống nước" và hoạt động không ổn định.

Với nhiều dòng xe, đặc biệt là xe Nhật, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, hệ thống truyền động cũng bị ảnh hưởng, bị nước làm gỉ sét dẫn đến hoạt động thiếu ổn định. Cùng với đó toàn bộ nội thất như ghế xe, trần, các tấm ốp đều phải dỡ ra, tháo tung sấy khô, cái nào hỏng phải bỏ và thay mới...

Những xe này, sau khi khắc phục hoạt động không ổn định và tin cậy, bán rất khó, cho dù giá vô cùng rẻ.

Xe chồng xác

Kẻ lừa đảo sẽ sử dụng giấy tờ, hồ sơ của một xe bị tai nạn hoặc xe quá cũ không thể phục hồi để gán cho một xe khác thường là nhập lậu, cùng đời, cùng chủng loại. Nhiều người bán hàng lâu năm trong ngành cho biết những xe này thường nhập từ Lào hoặc Camuchia.

Việc khó nhất trong cách lừa đảo này là dập lại số khung, số máy để xe và giấy tờ trùng khớp nhau. Theo đó, số khung, số máy cũ được mài sạch, mả lại matit và bắn số mới. Người mua chỉ có thể phát hiện sau 2-3 năm, chủ yếu là qua đăng kiểm vì khi đó sẽ bị mờ hoặc bong.

Kẻ lừa đảo thường bán xe đời cao, những xe sau khi mua về vốn không cần tới đăng kiểm thường xuyên.

Để tránh trường hợp này, người mua nên kiểm tra kỹ xe ở các garage chính hãng, uy tín trước khi đồng ý mua.

Giấy tờ giả

Đây là hình thức mà chính xác là kể cả người buôn xe nhiều kinh nghiệm có thể mắc phải đó là các xe cầm cố ngân hàng hoặc đang có tranh chấp, xe nhập lậu. Giấy tờ giả được làm giống đến 90 - 95% so với giấy tờ thật. Trường hợp này khi mua phải xe trở thành tang vật của vụ án và khả năng đòi tiền là rất thấp vì kẻ lừa đảo đã trốn mất.

Mới đây ở Hà Nội đã xảy ra vụ việc như vậy. Chủ xe đã cầm cố xe ở ngân hàng, làm giấy tờ giả và bán cho cầm đồ. Sau đó tiệm cầm đồ bán lại cho salon và cuối cùng đến tay một khách hàng mới, thuyết phục khách không sang tên. Khi xe bị ngân hàng thu lại, chính salon cũng trở thành bị hại nên khó xử lý, khách hàng là người chịu thiệt.

Trong trường hợp này, người mua nên sang tên để tránh rủi ro. Khi sang tên, công an sẽ kiểm tra đăng ký cũ và có thể phát hiện giấy tờ thật, giả.

Nguồn: Cúc Phương/ Baodatviet.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày