"Tôi thấy chuyện bán bất động sản nhiều nơi vùng ven, và nhất là vùng quê hiện nay theo kiểu: 'Bây giờ tôi bán cho anh con vịt con này với giá 200.000 đồng. Anh nghĩ xem, nay mai nó lớn rồi sẽ đẻ trứng, trung bình mỗi ngày một quả, tức mỗi năm 300 quả. Anh đem trứng đi bán vội cũng được 700.000 - 800.000 đồng, lời quá còn gì". Và thế là anh ta bán được con vịt con với giá cắt cổ".
Đó là nhận định của độc giả Kietvu về thực trạng giá đất một số khu vực ở vùng ven Hà Nội (như Đông Anh) được chào hơn 200 triệu đồng mỗi m2, ngang nhà mặt ngõ quận Cầu Giấy, Đống Đa. Tại những thôn nằm đối diện hay giáp với đại dự án, giá bán nhiều lô đất đã vượt trăm triệu mỗi m2. Giá rao bán là giá kỳ vọng của chủ nhà nhưng "ở mức 5 năm thậm chí 10 năm tới".
Đánh giá về những bất thường của thị trường bất động sản vùng ven, bạn đọc LoneWolf phân tích: "Chung cư cao cấp trung tâm thành phố cũng chỉ có giá hơn 100 triệu đồng/m2, bao gồm chi phí xây đựng cả căn hộ lẫn tiện ích nội khu, hạ tầng như công viên, hồ bơi, khu thể thao phức hợp, trung tâm mua sắm... Một căn hộ như vậy diện tích 100 m2, đủ cho cả gia đình hai vợ chồng, hai đứa con ở tạm ổn nếu thiết kế nội thất thông minh.
Trong khi đó, đất vùng ven tứ bề đồng không mông quạnh, chất lượng dịch vụ về sức khỏe, giáo dục, ẩm thực, giải trí... xin khẳng định một câu là 'rất thấp'. Do đó, người ta chỉ có thể mua để đầu tư dài hạn chứ không thể ở. Ấy vậy mà giá rao bán tận 200 triệu đồng/m2 thì quả là một tầm nhìn ít ai có".
Đồng quan điểm, độc giả Ks Phuong bình luận: "Mua đất vùng ven với giá cao chẳng khác nào 'đếm cua trong lỗ', tính chuyện trăm năm. Người ta toàn vẽ lên viễn cảnh nay mai quốc lộ đi qua, khu đô thị bên cạnh mọc lên, để rồi mua đi bán lại kiếm lời. Chứ thực tế, giá trị sử dụng của đất chẳng có. Trong khi bây giờ, đó vẫn là vùng đất trống không hơn không kém, đến khi quốc lộ đi qua, khu đô thị mọc được lên chắc cũng hết nửa đời người mua".
Chỉ ra sai lầm trong việc đầu tư vào đất vùng ven giá cao, bạn đọc Nqtho cảnh báo: "Một số người dư tiền không biết để làm gì, nghĩ đất không thể hạ giá nên mua. Số khác a dua, nhiều nhất là những người bị dân môi giới, buôn bán bất động sản lợi dụng. Cuối cùng ai chết biết liền, chỉ khổ những người không hiểu biết hùa theo, có tí tiền vẫn cố vay thêm ngân hàng để mua đất vùng ven, chờ thời cơ lên giá để bán kiếm lời. Nhưng ngày đó biết đến khi nào mới tới? E rằng thêm một thời gian nữa lại lãi mẹ đẻ lãi con, họ chịu không được, phải bán lỗ mà vẫn không ai mua. Thậm chí, có bán được cũng không đủ trả tiền lãi vay".
"Đất theo giá thị trường, mà thị trường cũng do một số người mua đi bán lại nhằm đẩy giá lên. Đất nước mà quá nhiều người giàu lên từ việc mua bán bất động sản, đồng tiền chảy vào đất quá lớn thay vì đổ vào sản xuất để cho ra sản phẩm thì sẽ rất nguy hại. Giờ đi đâu tôi cũng thấy các khu quy hoạch mọc lên, nơi nào cũng có nhiều đất trống, bỏ hoang, không sử dụng, vô cùng lãng phí", độc giả Hồng Nguyễn nói thêm.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát giá đất vùng ven, bạn đọc Tôi là ai kết lại: "Thực sự mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp kiểm soát hoạt động mua bán đất này. Nhà nào sang tên sổ đỏ hợp đồng mua bán chỉ sau vài năm thì cứ đánh thuế thật nặng để hạn chế đầu cơ. Đất chỉ có giá trị duy nhất là để ở hoặc để sản xuất, kinh doanh buôn bán. Nếu người dân cứ đổ xô về mua đất đầu cơm, rồi đẩy giá lên thì người có nhu cầu thực sự không biết sẽ như thế nào?".
Việt Thành tổng hợp
© 2024 | Thời báo ĐỨC