Một bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay không qua khỏi

Bệnh nhân là nam, 70 tuổi, là một trong hai bệnh nhân đầu tiên ngộ độc pate Minh Chay nhập Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Ngày 27/11, liên quan tới vụ ngộ độc pate Minh Chay, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có một ca bệnh đã qua đời. Bệnh nhân là người chồng, một trong hai bệnh nhân đầu tiên nhập viện do ngộ độc pate Minh Chay.

132 1 Mot Benh Nhan Ngo Doc Pate Minh Chay Khong Qua Khoi

Theo BS Nguyên, thời điểm nhập viện người chồng có dấu hiệu liệt hoàn toàn các cơ từ đầu đến chân, không thở được, phải phụ thuộc vào máy thở. Người vợ bị nhẹ hơn, tuy nhiên cũng liệt toàn bộ các cơ, không thể tự ngồi dậy, ho khạc kém, không thể tự ăn, nguy cơ suy hô hấp.

Sau thời gian dài điều trị, mặc dù bệnh có cải thiện nhưng do tuổi cao (70 tuổi), mắc kèm các bệnh cơ hội nên bệnh nhân này gặp biến chứng nặng. Nhận thấy tình trạng ngày càng xấu, gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân ra viện. Sau đó, người này qua đời tại nhà. Nhập viện chung với bệnh nhân là vợ đã khỏi bệnh và được ra viện trước đó.

BS Nguyên cũng cho biết, trong ngày 27/11, bệnh nhân cuối cùng nhập viện do ngộ độc Pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã được ra viện.

132 2 Mot Benh Nhan Ngo Doc Pate Minh Chay Khong Qua Khoi

Sản phẩm pate Minh Chay bệnh nhân sử dụng trước khi tử vong.

Chất độc khét tiếng

Độc tố được phát hiện trong pate Minh Chay được xác định là vi khuẩn Clostridium botulinum type B có độc lực cực mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới thần kinh, kéo dài và dễ tử vong. Đây là ngộ độc hiếm gặp, rất ít xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Theo BS Trần Văn Phúc – khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, có thể xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.

“Tất cả các bác sĩ, các chuyên gia thực phẩm, bất cứ ai cũng kinh hãi khi nói tới vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là botulinum. Botulinum là chất độc khét tiếng số một thế giới. Chỉ cần liều 0,004μg/kg cân nặng, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Tương đương với 1kg botulinum đủ giết chết 1 tỷ người”, BS Phúc nói.

Độc tố botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 chất độc tất cả. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.

 

132 3 Mot Benh Nhan Ngo Doc Pate Minh Chay Khong Qua Khoi

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Biểu hiện ngộ độc botulinum

Botulinum được tìm thấy trong trực khuẩn clostridium botulinum. Đây là trực khuẩn khá huyền thoại, bởi chúng có khả năng biến hình, ở điều kiện khắc nghiệt chúng biến thành nha bào vô cùng chắc chắn.

Mặt khác, vi khuẩn clostridium botulinum không phải là sinh vật hiếm, mà tồn tại trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất và phân, nước ao, nước sông hồ, thậm chí trong các hạt bụi bẩn, ở động vật đều có.

Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ, là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc.

Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 – 36 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.

Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.

Độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Biểu hiện các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).

Nặng hơn nữa là các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên là không nhấc đầu lên được. Sau đó không đứng hay ngồi dậy được. Nặng lên có biểu hiện liệt toàn thân, với trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp.

Phòng botulinum thế nào?

Theo BS Phúc, ngộ độc botulinum không phải là cá biệt, do vi khuẩn tồn tại tương đối phổ biến, ngộ độc chủ yếu vẫn xảy ra ở thịt bảo quản trong điều kiện thiếu không khí. Tuy nhiên, ngộ độc có thể vô tình xảy ra ở bất cứ thực phẩm nào, bất cứ công ty nào, ngay cả những quốc gia văn minh nhất và tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhất vẫn có thể xảy ra. Do vậy, việc phòng tránh ngộ độc botulinum là rất quan trọng.

Theo đó, để phòng tránh, người dân và các công ty chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ khâu nuôi trồng đến chế biến và vận chuyển, cuối cùng là ăn uống, phải được kiểm soát chặt chẽ và thực hành sạch sẽ.

Tuy clostrium botulinum độc tính cao nhưng lại có đặc tính rất sợ axit, nhiệt độ, và điểm yếu lớn nhất của vi khuẩn này là kị khí. Vì vậy, clostrium botulinum sẽ không phát triển mạnh ở những nơi có thông gió tốt, đặc biệt là môi trường đủ oxy vi khuẩn sẽ không thể hoạt động. Ngược lại càng thiếu không khí và oxy nó cảng sinh sôi nảy nở mạnh.

Ngoài ra botulinum cũng không chịu được nhiệt. Vì vậy, theo BS Phúc, để phòng lây nhiễm clostrium botulinum, người dân nên thực hiện đúng ăn chín, uống sôi. 

Bên cạnh đó, thức ăn thừa sau khi ăn không nên để bên ngoài, mà phải đậy kín, để vào tủ lạnh với nhiệt độ dưới 10 độ C. Bởi môi trường nhiệt độ này, clostrium botulinum không thể sinh sản hoặc tạo ra chất độc.

Cuối cùng, BS Phúc khuyến cáo, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu về ngộ độc botulinum để phòng tránh và biết được những dấu hiệu ngộ độc sau ăn. Qua đó kịp thời khám bác sĩ để phát hiện và xử trí sớm tình trạng ngộ độc, thì không có gì đáng ngại và lo lắng.

 

Phạm Quý

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày