Máy bay săn ngầm P-8A của Mỹ. REUTERS.
Cụ thể, theo chuyên trang The Drive, vào ngày 15.5, người dùng Twitter chuyên theo dõi hoạt động máy bay Golf9 phát hiện chiếc P-8A mang số 169010, bay theo tuyến đi qua Biển Đông, xung quanh đảo Hải Nam rồi vào Vịnh Bắc Bộ. Sau đó, chiếc P-8A quay trở lại và rời khỏi khu vực theo tuyến tương tự.
Chiếc P-8A bay trong phạm vi cách bờ biển đảo Hải Nam hơn 48 km, trong đó có lối ra vào căn cứ Du Lâm.
Golf9 còn chỉ ra chiếc máy bay mang số 169010 là một trong số ít nhất 7 chiếc P-8A được cho là sở hữu hệ thống radar tiên tiến AN/APS-154. Đảo Hải nam chính xác là một dạng mục tiêu mà AN/APS-154 được thiết kế để nhắm tới, theo The Drive.
Hải Nam lâu nay là mục tiêu tình báo đối với quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ. Vào tháng 4.2001, một máy trinh sát EP-3E Aries II của hải quân Mỹ hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam sau cuộc va chạm trên không với chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc. Cuộc va chạm khiến chiếc J-8II bị phá hủy và phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc trong ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng 3.2020. CHỤP MÀN HÌNH THE DRIVE.
Cũng theo The Drive, mục tiêu của các máy bay trinh sát Mỹ bay gần căn cứ hải quân Du Lâm có thể là thu thập thông tin về tình trạng của đội tàu ngầm lớp Tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo của hải quân Trung Quốc.
Hồi tháng trước, tờ South China Morning Post loan tin hải quân Trung Quốc vừa đưa vào biên chế hai tàu ngầm lớp Tấn và nếu thông tin chính xác, lực lượng này hiện có tổng cộng 6 chiếc tàu ngầm lớp Tấn.
Trong số 6 chiếc tàu ngầm lớp Tấn, 4 chiếc đầu tiên được trang bị cho Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Hiện không rõ hai chiếc tàu ngầm mới nói trên được trang bị cho hạm đội nào.
Một tàu ngầm lớp Tấn. CHỤP MÀN HÌNH THE DRIVE.
Thông tin P-8A do thám căn cứ hải quân Du Lâm được đưa ra sau khi Trung Quốc có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, trong đó việc mới đây điều động máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và cả trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 đến bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Giới chuyên gia cảnh báo hành động quân sự này thể hiện mưu đồ của Bắc Kinh là tăng cường kiểm soát toàn diện Biển Đông.
Văn Khoa
Nguồn: thanhnien.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC