"Tôi có hai con, một đang học cấp II, một học cấp III. Mặc dù cả hai con tôi không học thêm cho đến lúc thi vào cấp 3, nhưng tôi không thấy lý do gì để cấm học thêm cả.
Rất nhiều học sinh và phụ huynh có nhu cầu học thêm hoàn toàn chính đáng, và nhiều giáo viên dạy thêm thực sự chất lượng.
Ví dụ, con tôi năm nay lên lớp 11, tôi mới xin cho con học online môn Hóa để nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Thầy dạy khá uy tín và dễ hiểu. Học sinh không chỉ ở Hà Nội mà còn từ các tỉnh khác, thậm chí cả Quảng Bình cũng tham gia học. Trong những trường hợp như thế, tại sao lại cấm?
Nếu cần cấm, chỉ nên cấm việc lợi dụng học thêm để trục lợi. Do đó, cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh mà họ trực tiếp đứng lớp là đủ.
Tôi vẫn ủng hộ việc dạy thêm và học thêm tự nguyện, thực chất. Đây là nhu cầu có thật và chính đáng của phụ huynh, học sinh, và giáo viên. Ví dụ, nếu có một giáo viên trường A dạy rất giỏi, dễ hiểu, và mở lớp dạy thêm, học sinh từ các trường B, C đến học thì hiển nhiên đó là việc học thêm chính đáng vì mục đích lấy kiến thức. Với những trường hợp này, không nên cấm và cũng chẳng có lý do gì để cấm.
Tuy nhiên, có một kiểu dạy thêm khác là giáo viên dạy thêm chính học trò mà họ đang đứng lớp. Trong trường hợp này, rất dễ xảy ra hiện tượng "tranh tối tranh sáng", khi phụ huynh không muốn nhưng vẫn phải cho con đi học.
Để ngăn chặn việc dạy thêm biến tướng, chỉ cần cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà họ đang trực tiếp đứng lớp. Nếu giáo viên dạy lớp A nhưng dạy thêm học sinh lớp B, chắc chắn sẽ không có chuyện trù dập hay gì đó tương tự.
Đối với ý kiến nâng cao mức lương giáo viên để giải quyết vấn đề, tôi dám khẳng định rằng dù có nâng lương lên 50 triệu hay 100 triệu, nhiều người vẫn sẽ đi dạy thêm. Nếu lương 50 triệu mà đi dạy thêm kiếm thêm được 50 triệu nữa, rất ít người từ chối.
Cấm hoàn toàn việc dạy thêm cũng không công bằng với học sinh, vì chúng ta phải thừa nhận rằng chất lượng giáo viên không đồng đều. Có giáo viên rất giỏi, có giáo viên trung bình, và có giáo viên còn hạn chế.
Nếu con bạn không may học phải giáo viên có năng lực vừa phải, liệu bạn sẽ cho con đi học thêm ngoài để bù đắp kiến thức, hay chấp nhận 'số phận an bài'? Không phải ai cũng có thể đổi lớp hoặc đổi trường nếu con học với giáo viên chưa đủ chất lượng hay chưa phù hợp".
Hữu Nghị tổng hợp
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC