Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp - Ảnh: Media Quochoi
Sáng 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo đó, dự thảo pháp lệnh gồm 4 chương và 45 điều.
Dự thảo pháp lệnh quy định tổ chức có cùng hành vi vi phạm như cá nhân thì phải chịu mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.
Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ nhà báo có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa, không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.
Nhà báo cũng có thể bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng nếu: ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Mức xử phạt có thể lên tới 15 - 30 triệu đồng trong trường hợp nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Ngoài ra sẽ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, nộp lại số lợi bất hợp pháp...
Bên cạnh đó, dự thảo nêu phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Mức phạt này sẽ tăng lên 30 - 40 triệu đồng nếu những người trên đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của tòa án.
Ngoài ra, theo dự thảo, người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng.
Nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30 - 40 triệu đồng...
Cũng theo dự thảo, người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15 - 30 triệu đồng...
Giải trình thêm về lý do tại sao trong lĩnh vực tư pháp nặng hơn so với hành vi thông thường trong dự thảo pháp lệnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn ví dụ như đánh người gây thương tích bên ngoài bị xử lý nhưng nếu "công an đánh người là hành vi quá nặng, buộc phải xử nặng".
Hay hành vi làm hồ sơ giấy tờ giả trong trường hợp bình thường xử lý nhẹ hơn nhưng nếu cơ quan tố tụng mà làm sai hồ sơ giấy tờ sẽ liên quan đến công quyền, sinh mạng con người, vì thế các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính lẫn hình sự.
Còn việc quy định như vậy có quá nặng hay không, theo ông Bình, các quy định trong dự thảo đều theo quy định trong khung. Khung phạt chia làm 3 khung. Mức phạt là khung tối đa chứ không vượt quá thẩm quyền luật đặt ra.
"Anh đưa thông tin sai lệch trên báo hay gây rối, hút thuốc vi phạm bình thường, nhưng đưa thông tin sai lệch mà ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải xử lý nặng hơn", ông Bình nêu rõ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC