Một số ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu đất
Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin người dân xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn phản ánh, trên địa bàn xuất hiện một nhóm người Trung Quốc về thôn Rọ Phải, xã Mai Pha mua gom đất rừng, xây cổng, tường bao xung quanh núi rồi dựng một loạt nhà sàn với kiến trúc “lạ”.
PV Báo Giao thông đã trực tiếp “mục sở thị” chuỗi nhà sàn nghi của người Trung Quốc trên đỉnh núi này.
Đột nhập công trình bí ẩn
Sau khi cải trang thành người lên rừng khai thác nhựa thông, PV theo chân ông N.V.T (một người dân trong thôn) vén những bụi lau lách, cây rừng, luồn qua những đám cỏ le lá sắc lẹm như dao tem để xâm nhập “chuỗi nhà hàng bí ẩn”.
Ông T. dặn kỹ, phải tắt chuông điện thoại, khi quay phim, chụp ảnh phải kín đáo vì khắp nơi trong khu vực này đều được gắn camera giám sát và lực lượng bảo vệ dày đặc, sơ ý để họ phát hiện việc đột nhập thì sẽ có chuyện chẳng lành.
Theo người dân địa phương, công trình có cổng vào được xây dựng kiên cố với biển hiệu quảng cáo là phim trường BBK và nhiều dòng chữ Trung Quốc. Tường bao quanh được xây dựng bằng đá, cửa luôn đóng kín. Muốn đột nhập công trình bí ẩn này, chúng tôi chỉ còn cách trèo ngược lên núi để vòng vào từ phía sau.
Người dẫn đường cho biết, cách đây vài năm có người về đây mua gom đất rừng của nhiều hộ với giá cao rồi dựng lên 16 ngôi nhà sàn. Trong đó, có khoảng 6 căn nhà được xây dựng kiên cố bằng gỗ lim, số còn lại thì dựng thành các chòi nghỉ trông khá bắt mắt.
Cuối năm trước, khi công trình mới hoàn thành, người dân thấy rất nhiều người Trung Quốc thường xuyên tụ tập, qua lại địa điểm này. Sau vài tháng rầm rộ ăn uống, hát hò đình đám cả ngày lẫn đêm thì vắng hẳn, công trình thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, chỉ còn vài người thường xuyên lui tới đây vào ban đêm.
Gần một giờ đồng hồ leo núi, dò xét kỹ tình hình, chúng tôi đã tiếp cận các ngôi nhà sàn gỗ lim được xây dựng kiên cố, xung quanh là các điểm chòi nghỉ dưỡng được bố trí đối xứng 2 bên tuyến đường bê tông dẫn thẳng lên đỉnh núi. Điểm cuối của chuỗi công trình này là ngôi nhà sàn lớn, rộng hàng trăm m2, được thiết kế hiện đại với khoảng sân rộng treo biển SK Bar phục vụ âm nhạc, cafe, ăn uống.
Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát về TP Lạng Sơn phía dưới.
Ngoài những công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, vẫn còn một số căn nhà đang trong quá trình hoàn thiện với cưa máy, đục, gỗ ngổn ngang.
“Mua đất, dựng nhà với số tiền lớn, nhưng hiện không thấy ai sinh sống ở đây. Người dân bàn tán, thêu dệt nhiều về những ngôi nhà bí ẩn này”, anh N.V.T nói.
Liên quan đến người Trung Quốc
Trung tâm TP Lạng Sơn nằm ngay phía dưới công trình bí ẩn
Trao đổi với PV Báo Giao thông về công trình trên, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị, Sở KH&ĐT tỉnh Lạng Sơn đều khẳng định chưa được tham gia, cho ý kiến đóng góp bất kỳ dự án nào liên quan tại địa điểm trên. Các đơn vị khẳng định sẽ sớm kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông về công trình này, lãnh đạo và cán bộ địa chính xã Mai Pha cho biết, người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất trên là bà Nông Thị Minh Huệ, trú tại số 463, đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn. Tổng diện tích khu đất là 17.131,0m2. Ngày 25/7/2013, diện tích này đã được UBND TP Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1922/QĐ-UBND cho chuyển mục đích sử dụng đất.
Quyết định do ông Bùi Văn Côi, Phó chủ tịch UBND TP Lạng Sơn thời điểm này ký, cho phép bà Huệ được chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích 1.014,6m2 từ đất trồng rừng sản xuất sang đất ở. Diện tích còn lại là 16.116,4m2 thì không có nhu cầu chuyển đổi.
Thông tin từ Công an xã Mai Pha cho biết, công tác quản lý nhân khẩu, khai báo tạm trú trên địa bàn cho thấy bà Huệ có chồng là người tỉnh Triết Giang (Trung Quốc).
Trong quá trình xây dựng tại địa phương, ông này thường xuyên về đây trông nom, chỉ đạo, nhưng trước 22h hàng ngày, đều rời đến khách sạn ngủ nên Công an xã chưa thể kiểm tra, làm rõ danh tính, địa chỉ (?!). Đơn vị chỉ nắm được, bà Huệ và chồng người Trung Quốc có 3 con chung, không chỉ thường xuyên về khu đất này, họ còn liên tục di chuyển, sinh sống tại Trung Quốc và một số tỉnh, thành tại Việt Nam.
Theo UBND xã Mai Pha, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà Huệ đã thành lập doanh nghiệp, lập phim trường, mở quán bar, kinh doanh nhà hàng ăn uống tại khu vực này. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án đầu tư, giấy phép xây dựng… thì xã không nắm được.
“Thông tin công trình chỉ phục vụ người Trung Quốc, không cho người Việt Nam vào trong là không chính xác. Cuối năm 2018, sau khi hoàn thành xây dựng, tôi và nhiều lãnh đạo, cán bộ xã cũng được mời đến dự khai trương nhưng do bận việc nên tôi không đến dự”, ông Phan Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Mai Pha nói.Hồng Nguyên
Nguồn: baogiaothong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC