Sản xuất alumine tại Công ty Nhôm Lâm Đồng - Ảnh: M.V.
Ngày 30-7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai rà soát thực hiện quyết định số 866/QĐ-TTg về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866) ban hành tháng 7-2023.
Gián đoạn các dự án cao tốc của Lâm Đồng
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Quyết định 866 tác động đến hơn 70.000ha của tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các huyện (trừ TP Đà Lạt) đều bị ảnh hưởng. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khoảng 100.000 người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định 866.
Quyết định 866 khiếu hầu hết các hoạt động đầu tư công, dân sinh tại phía nam Lâm Đồng bị đình trệ - Ảnh: M.V.
Ảnh hưởng nhiều nhất là các huyện phía nam tỉnh như Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc.
Trong đó, hơn 60.000ha dùng để thăm dò khai thác bôxit, phần còn lại tập trung cho các khoáng sản thiếc, vonfram.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Quyết định 866 với các điều khoản liên quan đến Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đa phần khu vực quy hoạch thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc đã được đầu tư hạ tầng, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và các tổ chức trong việc sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo.
Vì tác động trực tiếp đến khu vực dân cư hiện hữu nên nếu thực hiện Quyết định 866 để thăm dò khai khoáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, dẫn đến mất ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch tỉnh và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khung và các dự án đầu tư công quan trọng như: dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; khu dân cư, tái định cư tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc), diện tích 19,567ha...
Kiến nghị đưa vùng khai thác khoáng sản ra khỏi đô thị, vùng phát triển dân cư
UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản nêu trên theo hướng đưa ra khỏi các khu đô thị, khu dân cư nông thôn hiện hữu và dự kiến phát triển phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện đầu tư, phát triển địa phương; giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức có liên quan.
Vì Quyết định 866 mà người dân dù có đất xây dựng nhưng không được làm nhà để ổn định cuộc sống. Trong ảnh: người dân ở xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) sống trong nhà tạm - Ảnh: M.V.
Rà soát và loại trừ các khu vực đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản nhưng chưa cập nhật vào quy hoạch khoáng sản trong quá trình cấp phép hoạt động khoáng sản để UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai các công trình, dự án đầu tư vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất của các dự án khai thác mỏ.
Đối với diện tích đã loại bỏ, địa phương được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Duy trì quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng không thu hút được đầu tư
UBND tỉnh Lâm Đồng phân tích về Quyết định 866: Thời gian quy hoạch khai thác khoáng sản đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện nên không thể triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy định.
Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chỉ phục vụ được công tác quản lý, nhưng chưa phục vụ được việc tổ chức triển khai theo quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, không thể triển khai đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu chức năng (vướng nguyên tắc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trước, sau đó mới thực hiện việc hoàn nguyên và triển khai đầu tư, xây dựng).
MAI VINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC