Khu trục hạm Wayne E. Meyer trong cảng Los Angeles hồi 2012
Tàu Wayne E. Meyer chỉ mới hai tuần trước áp sát hai đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa.
Lần này, khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke tới gần các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa, quân đội Mỹ nói, nhưng không cho biết chi tiết đó là các đảo nào.
Hôm 28/8, tàu khu trục Wayne E. Meyer vào sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Phía Trung Quốc lập tức cho tàu thuyền và phi cơ ra theo dõi, giám sát.
Chỉ huy Reann Mommsen, nữ phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, được Reuters dẫn lời nói hoạt động mới nhất, hôm 13/9, của khu trục hạm Wayne E. Meyer là nhằm tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông.
"... Trung Quốc đã tìm cách đòi hỏi các vùng nước nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa nhiều hơn so với phần họ được hưởng theo luật quốc tế," bà Mommsen nói.
Tin cho hay lần này, quân đội Trung Quốc cũng đã ngay lập tức được huy động để theo dõi tàu khu trục Mỹ và ra cảnh báo, yêu cầu tàu rời đi.
Bắc Kinh nói rằng việc hải quân Hoa Kỳ lặp đi lặp lại hoạt động tuần tra ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, và việc tàu Wayne E. Meyer vào khu vực Hoàng Sa lần này diễn ra khi chưa được sự cho phép của Bắc Kinh.
"Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển quanh đảo," Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
"Không một hình thức khiêu khích nào của tàu hải quân và phi cơ nước ngoài có thể làm thay đổi được thực tế này."
Trung Quốc căng thẳng với nhiều nước
Việc tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực Quần đảo Hoàng Sa diễn ra ngay sau khi có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại.
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ hoan nghênh việc Trung Quốc tiếp tục mua đồ nông sản Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục đe dọa áp thuế cao, khiến cuộc thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã giận dữ lên án sau khi có tin Anh và Mỹ có thể sẽ phối hợp hoạt động tại Biển Đông trong thời gian sắp tới.
Báo chí Anh loan tin rằng nước này có thể sẽ gửi tàu hàng không mẫu hạm mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh chở theo các chiến đấu cơ tàng hình thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ vào khu vực Quần đảo Trường Sa.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh phát biểu tại London rằng Anh Quốc "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác" trước tin hàng không mẫu hạm Anh có thể chở phi cơ Mỹ tới vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông
Đại sứ Trung Quốc tại London, ông Lưu Hiểu Minh được dẫn lời nói Anh "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác".
Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Anh, Thiếu tướng Tô Quang Huy (Su Guanghui) tuyên bố: "Nếu như Mỹ và Anh cùng nhau thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là hành động thù nghịch."
Nếu như hai đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa nơi tàu Wayne E. Meyer áp sát hồi hai tuần trước là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, thì các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa chỉ liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, Hà Nội và Đài Bắc.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên đặc biệt căng thẳng trong thời gian hơn hai tháng qua, với sự kiện tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai bên nhiều lần cáo buộc lẫn nhau xâm phạm lãnh thổ, quyền chủ quyền của mình.
Bầu không khí giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng rất căng thẳng quanh vấn đề Đài Bắc mua vũ khí Mỹ, nhưng hai bên gần đây không có đối đầu trực tiếp gì liên quan tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong quan hệ với Philippines, Bắc Kinh đã có những cải thiện đáng kể.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng Chín, hai bên đã bắt đầu triển khai hoạt động khai thác tài nguyên chung trong một dự án hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, điều Trung Quốc đã muốn đạt được từ lâu với các quốc gia láng giềng có tranh chấp với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC