Ba căn nhà số 39-41-43 phố Đinh Tiên Hoàng, TP Hải Phòng vốn của vợ chồng doanh nhân Bạch Thái Bưởi - Ảnh: TT
Bộ Xây dựng dẫn giải căn cứ theo quy định điều 1, Nghị quyết số 23, ngày 26-11-2003 của Quốc hội, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách về quản lý đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.
Cũng theo Bộ Xây dựng, theo hồ sơ quản lý nhà do UBND TP Hải Phòng cung cấp, Nhà nước đã quản lý nhà số 61, 63 Đinh Tiên Hoàng và 21 Quang Trung, đã xác lập quyền sở hữu nhà nước diện vắng chủ nhà và thực tế đã bố trí sử dụng nhà đất này từ trước năm 1965.
Trước đó, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng hướng giải quyết vụ việc bà Bạch Quế Hương xin lại nhà đất số 61, 63 Đinh Tiên Hoàng và 21 Quang Trung nay đã tách thành các số nhà 139, 141, 143 Đinh Tiên Hoàng.
Nhà đất số 61, 63 và 139, 141, 143 Đinh Tiên Hoàng trước đây thuộc thửa đất E29-17, bằng khoán 145 Hải Phòng, gồm 1 nhà 2 tầng diện tích xây dựng 292m2 và một nhà 1 tầng diện tích xây dựng 32m2, vốn thuộc sở hữu của cố doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã mất năm 1932 và vợ ông là bà Trần Thị Khả đã mất năm 1957.
Thời gian qua, bà Bạch Quế Hương, chắt doanh nhân Bạch Thái Bưởi, muốn xin lại các nhà đất trên để làm nhà lưu niệm doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Tuy nhiên, các nhà đất này đã được Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng bán và cho thuê. Vì vậy, TP Hải Phòng đã có thông báo dự kiến hỗ trợ bà Bạch Quế Hương 2 lô đất khác, diện tích 130m2 tại đường Hạ Lý, khu tái định cư quận Hồng Bàng để làm nơi lưu niệm doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Gia đình bà Bạch Quế Hương không đồng ý và tiếp tục đòi lại nhà đất nói trên.
Bạch Thái Bưởi (1874 – 22 tháng 7 năm 1932) là một doanh nhân người Việt nổi tiếng.
Ông là người có gan làm giàu, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Lúc sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi).
Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của Bạch Thái Bưởi là hàng hải, khai thác than và in ấn.
Mộng lớn chưa thành
Sinh thời, Bạch Thái Bưởi dự định tạo dựng nhiều công trình như xây nhà máy xay gạo ở Nam Định với thiết bị mua từ Đức; xây nhà máy nước, nhà máy điện ở TP. Nam Định; xây đường sắt Nam Định - Hải Phòng…
Bạch Thái Bưởi còn dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc với lá cờ Bạch Thái Bưởi của người Việt tung bay phấp phới tại các cảng quốc tế...
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC