Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 9/12, chất lượng không khí ở các tỉnh, thành phố phía Bắc không tốt cho sức khỏe. Nhiều điểm đo cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội cũng như khu vực Bắc Bộ lên mức nâu (nguy hiểm), nhiều nơi ở mức tím (mức rất xấu) và mức đỏ (mức xấu).
Theo các chuyên gia, không khí lạnh yếu tạo ra khối nghịch nhiệt, tức khối khí lạnh sẽ trượt xuống mặt đất, đồng thời đẩy không khí ấm lên trên. Hơi ấm ẩm gặp nhiệt độ thấp trên cao sẽ dần hình thành lớp mây, thậm chí có sương mù khiến khói bụi lơ lửng, không phân tán được ra ngoài, nhất là ở các đô thị lớn, mật độ dân cư, giao thông đông đúc như ở Hà Nội thì ô nhiễm càng nặng. Thời gian ô nhiễm kéo dài trong ngày, nhất là từ đêm đến sáng.
Hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, hầu hết các điểm quan trắc ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe, màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe, một số điểm màu nâu - mức nguy hại cho sức khỏe.
Chỉ số chất lượng không khí lúc 8 giờ ngày 9/12, theo ứng dụng PAM Air, hầu hết điểm đo tại khu vực phía Bắc ở mức tím - rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có tới 8 điểm ở mức nâu (nguy hại) gồm Hà Nội có 6 điểm là Đại La (Hai Bà Trưng), Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm), Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (Long Biên), PAM Farm-Vân Côn (Hoài Đức), Phú Đông (Ba Vì); Nam Định có 2 điểm là Lộc Vượng (thành phố Nam Định) và Xuân Ninh (Xuân Trường).
Hiện tượng thời tiết này sẽ lặp lại trong suốt mùa Đông mỗi khi không khí lạnh yếu đi, bởi vậy, chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường./.
Minh Nguyệt
Nguồn: vietnamplus.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC