Cơ quan Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Long (sinh năm 1985, trú tại Tiểu khu Thái Hòa, thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa) về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Phạm Thị Hương (ảnh người dân cung cấp)
Trước đó, ngày 9/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4548/CSĐT-PC01 thông báo kết luận giám định: “Hình dấu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội” trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CA 666023 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Nguyễn Hữu Nghĩa không phải là chữ ký của ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Hình dấu UBND TP Thanh Hóa trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CL722372 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Lê Văn Tú không phải là chữ ký của ông Lê Văn Tú- Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa”.
Như đã đưa tin trước đó, theo tố cáo của chị Phạm Thị Hằng (khu phố 6, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa), chị có quen Phạm Thị Hương (Tiểu khu 2 Thái Hòa, thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa) vào tháng 4/2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa. Hai người thường xuyên nói chuyện, nhắn tin qua lại, Hương nói có bố đẻ đang kinh doanh nhà hàng ở CHLB Đức.
Văn bản chuyển đơn của Tỉnh ủy Thanh Hóa
Khoảng tháng 10/2018, hai bên gặp lại nhau tại Bỉm Sơn khi tham dự đám cưới. Lần này Hương nói đã chuyển ra làm việc tại Bộ Công Thương và bố đẻ của Hương đang cần tìm 5 người lao động để đưa sang Đức làm việc tại nhà hàng của ông với thời hạn 5 năm, mức lương 60 triệu đồng/tháng. Do đó, Hương nhờ chị Hằng giới thiệu người quen cho mình.
Tất cả hồ sơ, thủ tục đều do Phạm Quang Hạnh (SN 1983, quê Hải Phòng, bạn Hương) giải quyết. Hạnh tiếp tục môi giới có thể đưa người qua Đức làm cơ khí ô tô và điều dưỡng. Sau đó Hương, Hạnh thu tiền và hồ sơ của 32 người, mỗi người phải nộp cho 2 đối tượng này từ 185 đến 243 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian từ 11/2018 đến 4/2019, Hương nhận số tiền 7,031 tỷ đồng từ 37 người (tiền mặt 3,131 tỷ, còn lại là chuyển khoản bằng nhiều tài khoản khác nhau).
Sau khi Hương nhận số tiền trên, chị Hằng và những người lao động không nhận được bất kì thông tin gì về việc được sang Đức làm việc. Liên lạc với Hương thì người này liên tục đưa ra những lí do để trốn tránh. Nhiều lần người dân đòi gắt gao, Hương cùng chồng là Nguyễn Hữu Long cam kết trả nợ nhưng đến 28/5/2019 mới trả lại được 2 tỷ đồng, còn nợ hơn 5 tỷ.
Vợ chồng Hương thế chấp 3 sổ đỏ ở các nơi nhưng trong đó có 2 sổ giả. Hiện người dân không thể liên lạc được với vợ chồng Hương nên buộc phải gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng vụ việc này là quan hệ dân sự nên hướng dẫn công dân gửi đơn đến Tòa án nhân dân để giải quyết.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Từ các tài liệu chị Hằng cung cấp, chúng tôi nhận thấy Phạm Thị Hương đã có hành vi lừa đào chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nguyễn Hữu Long tại buổi làm việc với người dân
Thứ nhất, hành vi của Phạm Thị Hương đã có dấu hiệu của “thủ đoạn gian dối”, là yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối có chủ đích, có trước khi Hương chiếm đoạt tài sản. Người bị hại không hề biết có hành vi gian dối trước khi giao tài sản. Thể hiện qua việc đưa ra một loạt các thông tin không có thật. Người bố tên Phạm Thanh Bảo đã bỏ đi từ khi Hương còn nhỏ, hiện không còn liên lạc.
Thông tin ông Bảo và Hanh sai sự thật. Ngay từ khi tiếp cận chị Hằng, Hương đã có ý đồ chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa ra một loạt thông tin giả nhằm lợi dụng lòng tin của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Do đó, không thể coi đây là quan hệ pháp luật dân sự thông thường.
Thứ hai, Phạm Thị Hương không phải là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đưa người lao động đi Đức làm việc. Theo Điều 6, Luật Người lao động Việt Nam đưa người nước ngoài đi làm việc theo hợp đồng quy định:
“Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây: 1. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; 2. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; 3. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề; 4. Hợp đồng cá nhân.”
Hành vi của Phạm Thị Hương cấu thành của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự, cần được cơ quan điều tra khởi tố để tránh bỏ lọt tội phạm, ổn định trật tự xã hội.
Nguồn: congly.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC