Ghi nhận tại hiện trường, một phần cầu Phong Châu tại địa bàn huyện Tam Nông bị đổ sập xuống sông Hồng. Thời điểm bị sập, trên cầu có nhiều người và phương tiện lưu thông.
Cầu Phong Châu là cây cầu nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông
Cầu Phong Châu được khánh thành đưa vào sử dụng năm 1995, gồm 8 nhịp. Trong đó có 4 nhịp giản đơn dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, 3 nhịp dàn thép và 1 nhịp giản đơn dầm bằng bê tông cốt thép thường (Ảnh: Nguyễn Hải).
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 2 nhịp cầu bị sập, chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Tam Nông (Ảnh: Nguyễn Hải).
Cầu Phong Châu được sửa chữa nhiều lần, lần sửa gần đây nhất vào lại vào năm 2023. Cử tri tỉnh Phú Thọ từng kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu, song do nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp chỉ ưu tiên bố trí các dự án trọng điểm, cấp bách, Bộ đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư dự án hoàn chỉnh quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Lãnh đạo UBND huyện Tam Nông cho biết thời điểm cầu Phong Châu bị sập, có người và phương tiện bị rơi xuống sông nên các lực lượng chức năng của địa phương đang tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Chiều 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân mất tích (Ảnh: Hải Nam).
Chiếc xe máy còn sót lại sau khi rơi xuống trụ cầu, may mắn chủ xe thoát nạn (Ảnh: Hải Nam).
Nước sông Hồng chảy xiết khiến công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn
Một phần khung sắt của cầu Phong Châu còn sót lại bên mép sông Hồng (Ảnh: Nguyễn Hải).
Nhiều người dân hiếu kỳ tập trung 2 bên sông Hồng theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người mất tích.
Sở GTVT Phú Thọ cho biết cầu Phong Châu trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Lần gần đây nhất cây cầu được sửa chữa là vào năm 2023.
Báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Trong báo cáo, Sở GTVT Phú Thọ khẳng định cầu Phong châu đã qua nhiều đợt sửa chữa với lần gần nhất là năm 2023.
Lực lượng chức năng tiến hành công tác cứu nạn tại cầu Phong Châu (Ảnh: Đức Tùng).
Năm 2013, cầu Phong Châu từng được thay 4 dầm bê tông thường bằng 4 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực; dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường; thay bu lông cường độ cao bị đứt gãy, thảm lại mặt cầu, thay khe co giãn...
Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở, gia cố trụ cầu. Năm 2023, cầu tiếp tục được sửa chữa nhỏ gồm tẩy gỉ, thay khe co giãn, sơn lại lan can và kiểm định cầu.
Riêng trụ T7 (trụ cầu vừa đổ sập trong sự cố) vào năm 2019 từng được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép; mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép; gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ.
Trưa 9/9, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Ảnh đã đến hiện trường để chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Cục Đường bộ cũng đã có công điện yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ khẩn trương khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Nguồn: Dân Trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC