Đội lốt thực dưỡng, nguyền rủa bệnh nhân ung thư tuân thủ phác đồ điều trị Tây y
Facebook Phan Đại Dương đã nhắc và dùng hình ảnh của Đặng Trần Thủy Tiên sinh năm 2000, đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, phát hiện bị ung thư vú khi vừa tròn 19 tuổi.
Trong khi, Thủy Tiên đang từng ngày kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư thì Facebook Phan Đại Dương đã viết ra những lời lẽ rất cay độc: "Chào mừng chiến binh ung thư Đặng Trần Thủy Tiên về với đội của Tây y quỷ. Trần Lập chờ em".
Chia sẻ của Phạm Đại Dương về Thủy Tiên.
Sự cay độc được đẩy lên đỉnh cao khi mà bên dưới bài viết là comment của tài khoản Nguyen Binh (cũng được biết đến là một "thánh" thực dưỡng): "Cười cái. Chị chờ kết quả tất yếu sẽ đến với em. Khi đó hãy cứ tự tin mỉm cười nghe".
Ngay sau bài viết có lời lẽ cay độc viết về Thủy Tiên, Facebook Phan Đại Dương tiếp tục chia sẻ bài viết được cho là xúc phạm tới bé Đỗ Hạnh An như sau: "Chào mừng chiến binh ung thư Đỗ Hạnh An (con của quỷ Đỗ Đức Thành) về với đội Tây y quỷ. Trần Lập đã đón được em...".
Được biết cả hai Phan Đại Dương và Binh Nguyen đều là những người tuyên truyền ‘thần thánh hoá" chế độ ăn thực dưỡng có thể chữa khỏi ung thư và bài xích phương pháp chữa ung thư hiện đại.
Chia sẻ liên quan tới bé Hạnh An.
Thực dưỡng có chữa được ung thư?
Vậy thực dưỡng có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư hay không, dưới đây là những lý giải của chuyên gia.
Theo Ths.Bs Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đến nay chế độ ăn thực dưỡng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định có thể chữa khỏi được ung thư. Như vậy thực dưỡng không có tác dụng với tế bào ung thư.
Tại sao lại một số bệnh nhân điều trị Tây y bỏ về ăn thực dưỡng sức khỏe lại có cải thiện hơn?
Bác sĩ Thịnh lý giải: "Bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất thể trạng bệnh nhân sẽ bị suy kiệt. Sau khi, điều trị ổn định bệnh nhân thường phải dừng điều trị từ 3-4 tuần hoặc có người phải dùng điều trị 3-6 tháng do tác dụng phụ của hóa chất nên bệnh nhân đợi sức khỏe ổn định mới điều trị tiếp.
Khi bệnh nhân điều trị phác đồ mạnh hóa chất mệt, ăn kém là rất bình thường. Một số bệnh nhân không chịu được đã về uống thuốc nam hoặc ăn thực dưỡng… Trong thời gian đầu bệnh nhân ăn thực dưỡng sẽ cảm thấy mình khỏe hơn nghĩ đã khỏe bệnh.
Nhưng bản chất là do tác dụng phụ của hóa chất hết nên bệnh nhân cảm thấy mình khỏe còn tế bào ung thư thì vẫn đang nhân lên trong cơ thể.
Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân bỏ điều trị về uống thuốc nam, ăn thực dưỡng sau khi trở lại bệnh viện điều trị khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí đã có bệnh nhân kém may mắn đã tử vong".
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm, hiện nay các phương pháp điều trị ung thư phuẫu thuật, hóa chất, xạ trị và các phương pháp y học mới (điều trị đích, miễn dịch) vẫn không thể thay thế được. Bệnh nhân ung thư nếu bỏ tây y điều trị theo các phương pháp không chính thống sẽ rất nguy hiểm.
"Việc bài xích tây y thần thánh hóa thực dưỡng sẽ khiến cho bệnh nhân phải trả giá bằng cả tính mạng của mình", bác sĩ Thịnh cảnh báo.
GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cũng khẳng định, dù y học hiện đại có thêm nhiều phương pháp mới điều trị ung thư hiện nay vẫn rất khó khăn. Thực dưỡng không phải là phương pháp điều trị khỏi được ung thư.
Ăn thực dưỡng trong đó có chế độ ăn muối mè, gạo lứt chỉ thích hợp với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, rối loại chuyển hoá, tim mạch, béo phì do ăn uống dư thừa chất. Còn đối với bệnh nhân ung thư dùng chế độ ăn thực dưỡng không đủ dinh dưỡng để có thể chiếu đấu với bệnh tật.
"Tôi không dám phê bình những tin tưởng chế độ ăn thực dưỡng để chữa bệnh ung thư. Nhưng cá nhân tôi thì khẳng định thực dưỡng không thể chữa khỏi được bệnh ung thư. Hiện nay, cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học khẳng định thực dưỡng chữa được ung thư", GS. Chấn Hùng nói.
Nguồn: Soha.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC