Nhiều năm nay, không đêm nào ông Trinh ngủ yên vì liên tục bị yêu cầu ra khỏi căn nhà của mình - Ảnh: HỮU KHÁ
"Không có việc chuyển nhượng nhà đất này cho bà Toàn đâu. Một căn nhà ba tầng, diện tích đất 361m2 mà chỉ chuyển nhượng 1 triệu đồng là để hợp thức hóa việc bà Toàn đứng tên giùm mà thôi." ông HOÀNG ANH TRINH |
Vụ án gây xôn xao dư luận tưởng như rơi vào bế tắc, giờ đã mở ra hi vọng đối với người đàn ông bệnh tật, lặn lội nhiều năm trời đi tìm công lý.
Tin "vợ" nên bị lừa
Theo hồ sơ vụ án, năm 2007 ông Hoàng Anh Trinh (Việt kiều Mỹ) gửi tiền về nhờ vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh (người bà con ở quận Sơn Trà) mua lô đất và làm nhà để sau này ông về Việt Nam định cư lâu dài. Nhà và đất ở số 49 Lương Hữu Khánh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Năm 2009, ông Trinh về Việt Nam sinh sống nên ông Minh đã giao lại nhà, đất trên cho ông Trinh quản lý, sử dụng. Tháng 8-2012, ông Trinh quen và tổ chức đám cưới (không đăng ký kết hôn do thiếu một số giấy tờ) với bà Ngô Thị Bảo Toàn. Sau khi cưới, bà Toàn về ở cùng ông Trinh tại ngôi nhà nói trên. Theo ông Trinh, thời điểm này do ông chưa có chứng minh nhân dân và hộ khẩu nên không thể đứng tên trên "sổ hồng".
Trong thời gian chung sống, bà Toàn nói ông Trinh sang tên nhà, đất từ vợ chồng ông Minh cho bà. Bà Toàn hứa khi nào ông Trinh có đủ giấy tờ hợp lệ, đủ điều kiện đứng tên nhà, đất thì bà sẽ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lại cho ông. Vì tin tưởng nên ông Trinh yêu cầu ông Minh lập hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất cho bà Toàn với giá... 1 triệu đồng. Theo lời ông Trinh, trên thực tế ông chỉ nhờ bà Toàn đứng tên trên sổ hồng, chứ không có việc chuyển nhượng nhà, đất.
Sau khi được cấp sổ hồng đứng tên mình, bà Toàn đem căn nhà này bán cho một người khác gần 5 tỉ đồng. Phát hiện sự việc, ông Trinh khởi kiện đề nghị tòa tuyên hủy sổ hồng, trả lại nhà cho ông.
Tại bản án sơ thẩm ngày 7-6-2018, TAND TP Đà Nẵng cho rằng: "Xuyên suốt quá trình chuyển giao quyền sở hữu nhà, đất không có dấu hiệu hay căn cứ bà Toàn đã lừa dối ông Trinh để được nhận chuyển nhượng nhà, đất. Ông Trinh khởi kiện, cho rằng bà Toàn lừa dối nhưng không chứng minh được việc bà Toàn lừa dối". Vì vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà của ông Trinh.
Hợp đồng vô hiệu
Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Trinh lặn lội đi gõ cửa khắp các cơ quan công quyền ở Đà Nẵng và trung ương để đòi công lý. Mới đây, chánh án TAND tối cao đã có quyết định kháng nghị với nhận định cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên không đúng.
Theo nhận định của chánh án TAND tối cao, nguồn gốc nhà, đất trên là do ông Hoàng Anh Trinh gửi tiền nhờ ông Minh mua đất, làm nhà và đứng tên hộ từ năm 2007. Năm 2009, ông Trinh về Việt Nam sinh sống nên ông Minh đã giao lại cho ông Trinh quản lý, sử dụng. Tháng 8-2012, ông Trinh sống chung (không đăng ký kết hôn) với bà Toàn tại căn nhà trên.
Ngày 16-1-2013, vợ chồng ông Minh lập hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất này cho bà Toàn với giá trị chuyển nhượng là 1 triệu đồng. Bà Toàn cho rằng việc chuyển nhượng nêu trên giữa vợ chồng ông Minh với bà là để cấn trừ khoản tiền 20.000 USD và 600 triệu đồng mà ông Trinh nhận của bà, nhưng ông Trinh không thừa nhận. Còn bà Toàn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh lời trình bày của mình.
Ngoài ra, dù hai bên có lập hợp đồng chuyển nhượng nhưng trên thực tế không có việc giao nhận tiền, giao nhận nhà và căn nhà này vẫn do ông Trinh quản lý và sử dụng đến nay.
Điều này phù hợp với nội dung tại "giấy cam kết" ngày 16-1-2013 do ông Trinh và bà Toàn lập, có nội dung ông Minh chuyển nhượng nhà, đất cho bà Toàn với "số tiền 1 triệu đồng để hợp thức hóa giấy tờ hợp đồng".
Như vậy có căn cứ để xác định không có việc chuyển nhượng nhà, đất, mà thực chất là nhờ bà Toàn đứng tên hộ. Do đó có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng ngày 16-1-2013 giữa vợ chồng ông Minh và bà Toàn là giao dịch giả mạo nhằm che giấu một giao dịch khác.
Ngày 21-5-2016, tại Văn phòng công chứng Phạm Văn Khánh, bà Toàn đã chuyển nhượng nhà, đất nêu trên cho bà Vũ Thị Huệ với giá chuyển nhượng 900 triệu đồng (theo bà Huệ thì thực tế là 4,85 tỉ đồng). Ngày 23-5-2016, bà Huệ đã chỉnh lý biến động đứng tên nhà, đất trên. Ngày 24-5-2016, bà Huệ thế chấp nhà, đất này cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu để đảm bảo khoản vay 2,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, chánh án TAND tối cao nhận định rằng: Xét thấy thời điểm bà Toàn chuyển nhượng nhà, đất trên cho bà Huệ thì tài sản này đang có tranh chấp. Thể hiện ngày 30-5-2015, bà Toàn có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc ông Trinh trả lại nhà, đất trên cho bà. Ngày 16-6-2015, TAND quận Sơn Trà thụ lý giải quyết vụ án. Ngày 18-8-2015, ông Trinh có đơn phản tố. Ngày 15-6-2016, bà Toàn có đơn rút đơn khởi kiện. Tòa án đã chuyển đổi tư cách tố tụng đối với các đương sự tham gia vụ án.
Như vậy, việc bà Toàn tự ý chuyển nhượng nhà, đất khi đang có tranh chấp là trái với quy định của pháp luật, nên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa bà Toàn và bà Huệ là vô hiệu. Ngoài ra, khi nhận tài sản thế chấp ngân hàng không kiểm tra, thẩm định ai là người quản lý, sử dụng tài sản nên hợp đồng thế chấp ngày 24-5-2016 giữa bà Huệ và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu là vô hiệu.
Đề nghị hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm
TAND tối cao nhận định lẽ ra tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa vợ chồng ông Minh với bà Toàn là vô hiệu, chấp nhận yêu cầu của ông Trinh về việc hủy hợp đồng này và hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Toàn, sau đó được chỉnh lý sang tên cho bà Huệ. Vì vậy, chánh án TAND tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Nẵng giải quyết theo quy định pháp luật. |
Hữu Khá
Nguồn: tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC