Khách nội địa "ngại" Phú Quốc?
Hội tụ rất nhiều tiềm năng vượt trội nên từ lâu Phú Quốc từng được kỳ vọng trở thành thiên đường du lịch biển của châu Á, sánh ngang cùng Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia).
Điều này từng được truyền thông thế giới nhiều lần công nhận. Mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Condé Nast Traveler vừa vinh danh Phú Quốc nằm trong "Nhóm hòn đảo đẹp nhất châu Á". Bình chọn này dựa theo kết quả của độc giả toàn cầu.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Phú Quốc được bình chọn trong danh sách này. Năm 2022, Đảo Ngọc của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6.
Tương tự, tạp chí du lịch The Travel của Canada cũng nhận định Phú Quốc là hòn đảo rất đáng ghé thăm, nằm ở vị trí thứ 3 trong số 17 hòn đảo hấp dẫn nhất thế giới.
Được thế giới "biết mặt, gọi tên", nhưng thời gian qua, Đảo Ngọc lại "thất thế" ngay trên sân nhà. Du lịch Phú Quốc trong năm 2023 đã ghi nhận lượng khách sụt giảm lớn.
Theo số liệu thống kê từ những đợt nghỉ lễ lớn trong năm 2023 đều ghi nhận thông tin không mấy khả quan.
Cụ thể, dịp lễ 30/4-1/5, Phú Quốc đạt khoảng 112.000 lượt, giảm 11,5% so với cùng kỳ còn doanh thu giảm 24,3% so với cùng kỳ. Tiếp tục tới ngày 2/9, lượng khách lại giảm, đạt tổng cộng 19.000 lượt, thấp hơn 40% so với cùng kỳ, công suất phòng chỉ đạt 27%.
Vậy chuyện gì đang xảy ra ở Đảo Ngọc?
Suất lẩu hải sản 800.000 đồng của một du khách khi chia sẻ về trải nghiệm ăn uống đắt đỏ tại Phú Quốc (Ảnh: Nguyễn Hương).
Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn du lịch trong nước, câu chuyện về khách tới Phú Quốc bị chặt chém, bỏ số tiền không tương xứng với dịch vụ nhận được, không còn là chuyện lạ, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Chị Minh Tâm, vị khách đến từ Hà Nội, là một ví dụ. Sau lễ cưới, chị Tâm cùng chồng người Hàn Quốc quyết định đến Phú Quốc để hưởng tuần trăng mật. Nhưng những trải nghiệm tại đây khiến cặp đôi mới cưới "thấy kém vui".
"Tôi và chồng ngồi ở bãi biển gần thành phố không ngủ và gọi một quả dừa và một chai nước lúa mạch. Giá trái dừa là 90.000 đồng và chai nước 150.000 đồng. Khi thấy tôi sững người vì giá quá cao, nhân viên phục vụ thản nhiên trả lời rằng vì đây là bãi biển.
Theo quan điểm của tôi, khi đi du lịch phải chấp nhận chi trả những dịch vụ đắt đỏ hơn bình thường. Nhưng khi giá dịch vụ lại lên cao quá sức thì đó lại bất bình thường", chị Minh Tâm chia sẻ.
Nạn chặt chém là một trong những nguyên nhân khiến khách không muốn quay lại (Ảnh minh họa: Minh Duy).
Còn với Ngọc Minh, 23 tuổi, đến Phú Quốc vào dịp hè cùng nhóm bạn, thú nhận "chắc không dám quay lại lần 2" vì giá vé máy bay và chi phí dịch vụ "cao hơn so với tưởng tượng".
"Nhóm tôi từng 2, 3 lần đi tự túc Thái Lan trong 4 ngày. Lần gần nhất mỗi người hết tầm 10 triệu đồng bao gồm cả mua sắm. Trong khi đi nội địa như ở Phú Quốc, giá tương đương mà dịch vụ không có nhiều thứ để trải nghiệm, chưa kể tình trạng chặt chém khiến khách thực sự hoang mang", Minh nói.
"Vấn đề của Phú Quốc đã đến lúc nghiêm trọng"?
Trên thực tế, vấn đề tồn đọng của du lịch Phú Quốc từng nhiều lần được các chuyên gia phân tích mổ xẻ.
Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, việc chấn chỉnh tình trạng du lịch làm ăn chộp giật, chặt chém khách mới chỉ là "phần nổi". Có những nguyên nhân gốc rễ cần được giải quyết.
"Vấn đề của Phú Quốc đã đến lúc nghiêm trọng. Phú Quốc được phát triển quá nóng vội khiến đầu tư quá ồ ạt, không theo quy hoạch nên thiếu tính bền vững. Người làm du lịch có tầm nhìn còn ngắn, không quản lý được chất lượng sản phẩm.
Tất nhiên, việc quy hoạch không thể vừa đưa ra đã làm tốt ngay. Trong quá trình thực hiện vẫn cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Phú Quốc cần có những ý kiến sát đáng và khách quan từ các chuyên gia hàng đầu để điều chỉnh, không thể tùy ý thay đổi theo doanh nghiệp. Thậm chí, khi quy hoạch nên cần có sự tham gia của các tổ chức du lịch thế giới", ông Lương nêu ý kiến.
Du khách chụp hình ở Bãi Trường (Ảnh: Gaudaica).
Năm 1997, cùng nhóm chuyên gia của tổ chức du lịch thế giới tới khảo sát và quy hoạch Phú Quốc, PGS-TS Phạm Trung Lương từng đưa ra ý kiến nơi này cần các sản phẩm sinh thái dựa trên tài nguyên hệ sinh thái.
Phú Quốc là nơi sở hữu hệ sinh thái rừng biển hoàn toàn khác biệt, không nơi nào có được.
Về du lịch chộp giật, chặt chém, theo ông Lương, vấn đề này cần xử lý kiên quyết, không chỉ đơn thuần tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp địa phương, mà phải có chế tài rõ ràng.
Bài học nào cho tương lai của du lịch Phú Quốc?
Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, tương lai của một điểm du lịch trọng điểm như Phú Quốc cần chính phủ và các cơ quan ban ngành chung tay vào cuộc.
"Chấn chỉnh những cái đang có và điều chỉnh lại những chỗ có khả năng điều chỉnh, thậm chí chấp nhận hi sinh cho lợi ích tương lai mới lâu dài và bền vững", ông Lương nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này, không cần học đâu xa, Phú Quốc có thể tham khảo cách làm như của Thái Lan, thành lập đội cảnh sát du lịch.
"Đội cảnh sát du lịch giúp đảm bảo an ninh cho du khách, người làm du lịch và cả doanh nghiệp địa phương, tiếp nhận những phản ánh trực tiếp để hỗ trợ kịp thời", ông Lương gợi ý.
Theo quan điểm của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Phú Quốc "có thể lấy lại lòng tin từ phía du khách, dù điều này không hề dễ dàng".
"Phía Hiệp hội lữ hành Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng địa phương, các doanh nghiệp cũng như bên liên quan như hàng không, gửi thông tin tuyên truyền, đưa sản phẩm xúc tiến. Vấn đề cốt lõi cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp.
Người làm du lịch phải định vị tài nguyên, cơ hội của Phú Quốc để biến thành sản phẩm du lịch, tìm nguồn khách phù hợp, triển khai hoạt động xúc tiến. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có cả ngành hàng không", ông Dũng nêu ý kiến.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC