Thông tin được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM chia sẻ tại tọa đàm "Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn quận 1" mới đây.
Ông cho biết giảm nhiều nhất là khách đi chợ mua vải (60-90%). Lượng người mua tạp hóa, quần áo, giày dép giảm 50-70%; còn vật liệu, phụ kiện máy móc, phụ gia thực phẩm, đồ dùng gia đình sụt 20-40%. Riêng thực phẩm, chợ truyền thống vẫn là điểm đến phổ biến để người dân mua sắm nên lượng khách ngành hàng này chỉ giảm 10-30%.
Ghi nhận của VnExpress thời gian qua cũng cho thấy tình hình buôn bán ở các chợ truyền thống tại thành phố khá ế ẩm.
Chị Loan, chuyên bán rau quả chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết trước Covid-19, mỗi ngày bán 100-200 kg rau củ, nay giảm một nửa. "Quá ế ẩm nên tôi giảm dần lượng rau nhập và muốn chuyển hướng kinh doanh", chị Loan nói.
Chung tình cảnh, anh Hùng - từng thuê sạp ở chợ Phú Định (phường 16, quận 8) để sửa quần áo - nay dời ra mặt bằng mới gần đó khoảng một tháng nay, sau khi chợ đóng cửa nâng cấp. Anh cho biết khi còn hoạt động, chợ rất thưa vắng, với chưa đầy 20 sạp kinh doanh chủ yếu thực phẩm, đồ khô.
"Chợ mới sửa xong chắc tôi cũng không quay lại vì giá thuê sẽ tăng cao trong khi hiện tại tôi chỉ cần tốn 2 triệu tiền mặt bằng bên ngoài", anh nói.
Chợ Bến Thành, tháng 10/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo Sở Công Thương, khách đi chợ truyền thống giảm do chuyển dịch thói quen mua sắm. Người dân ngày càng có xu hướng chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sản phẩm nguồn gốc rõ ràng. Trong khi, chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá, hàng giả, không rõ nguồn gốc khiến họ quay lưng.
Kênh bán lẻ này cũng chịu sức ép cạnh tranh của siêu thị, trung tâm mua sắm và thương mại điện tử với nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra để thu hút khách hàng và dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Một phần nguyên nhân còn do bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ, từ đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý, chính tiểu thương đến quy hoạch phát triển thương mại địa phương.
TP HCM hiện có 233 chợ truyền thống, với 224 chợ đang hoạt động. 91 chợ tạm ngưng đón khách do cơ sở vật chất xuống cấp, chờ nâng cấp, sửa chữa và một số đã dừng kinh doanh từ trước Covid-19. Định hướng đến 2030, thành phố còn 216 chợ. Trong đó, 199 chợ giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và xây dựng 17 chợ mới.
Theo các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, sự phát triển của thương mại điện tử đòi hỏi mô hình chợ truyền thống phải thay đổi để phù hợp. Vì vậy, thời gian tới cần thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững trong quy hoạch đô thị.
Tại họp báo vào tháng trước, Sở Công Thương cũng nhận định chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng, kết hợp online và offline. Do đó, thành phố có ý định đưa các hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tập huấn tiểu thương tiếp cận bán hàng trực tuyến, bán livestream.
Ngoài ra, loại hình này vẫn có những điểm mạnh có thể tận dụng để kéo khách trở lại. Khảo sát của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho hay người dân hài lòng nhất với giá cả khi mua sắm ở chợ truyền thống. Họ cũng cho rằng sản phẩm tại đây tươi ngon hơn những kênh mua sắm trực tuyến.
Cũng theo nhiều người, chợ truyền thống là nét văn hóa đẹp và không thể thay thế hoàn toàn bởi kênh mua sắm khác. Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP HCM cho rằng chợ có thế mạnh tương tác xã hội. Do đó, cần xem đây là nơi hội tụ kinh tế, tương tác cộng đồng, văn hóa chứ không chỉ điểm bán sỉ - lẻ đơn thuần khi quy hoạch phát triển.
Trong kế hoạch, Sở Công Thương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ và phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch để góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Dỹ Tùng
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC