Theo thông tin từ Vietnam Airlines, tính từ đầu năm 2019, hãng đã phải thay thế gần 100 khối màn hình giải trí, thay mới, sửa chữa các túi da đựng tạp chí bị hỏng, rách do hành khách kê, gác chân, với chi phí cho mỗi chiếc túi mới theo giá của nhà sản xuất là hơn 20 triệu đồng/túi.
Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng thất lạc dây đai an toàn bị mất tại vị trí ghế ngồi sau khi chuyến bay kết thúc, hoặc hành khách yêu cầu đai nối dài dây, dây an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên sau khi chuyến bay kết thúc.
Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đã chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây an toàn bị thất lạc.
Ngoài ra, các sự cố như xước màn hình giải trí trên ghế, tắc toilet... đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như khiến hãng phải chi lớn để sửa chữa, thay thế.
Vietnam Airlines không phải là hãng bay Việt duy nhất thiệt hại vì trang thiết bị hư hỏng trong quá trình sử dụng hành khách. Trao đổi với Zing.vn, các hãng bay khác cũng gặp tình trang tương tự.
Gần nhất, nữ hành khách D.T.D (59 tuổi, ở quận Ba Đình, TP Hà Nội) trong khi làm thủ tục soi chiếu cho chuyến bay VJ408 từ Liên Khương đi Hà Nội đã phát hiện một áo phao trong hành lý.
Lực lượng chức năng sau đó xác định áo phao này được lấy trên chuyến bay VJ783 của Vietjet Air mà bà D. di chuyển trước đó. Bà D. sau đó bị xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng.
Theo các hãng bay, trong quá trình xử lý sự cố tắc toilet, bộ phận kỹ thuật đã tìm thấy rất nhiều dị vật gây tắc như khăn mặt, cuộn giấy vệ sinh, khăn ăn, cốc giấy, thậm chí cả bỉm hay chai rượu mini.
Mỗi lần thông tắc đường ống toilet, máy bay sẽ phải dừng khai thác nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày dẫn tới tình trạng chậm hủy chuyến cũng như tăng thêm chi phí vận hành của hãng.
Các hãng hàng không Việt tốn chi phí không nhỏ để sửa chữa, thay thế dây an toàn, ngăn đựng đồ hay màn hình giải trí do hành khách làm hỏng, thất lạc trong quá trình khai thác. Ảnh: HVN.
Bên cạnh đó, các hãng bay cũng gặp nhiều sự cố do hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm của máy bay khi không có trường hợp khẩn cấp.
Đầu tháng 8, máy bay ATR72 của Hãng hàng không VASCO vừa thực hiện chuyến bay từ Côn Đảo về hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), hành khách Thân Văn T. ngồi ghế số 01B đã tự ý mở cửa thoát hiểm của máy bay.
Hay vào cuối tháng 7, trên chuyến bay QH1414 của Bamboo Airways từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đi sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), một hành khách nam bất ngờ mở tung cửa thoát hiểm số 3 bên trái trước khi máy bay cất cánh. Sự cố khiến chuyến bay QH1414 cũng hàng loạt chuyến bay sau đó bị chậm giờ cất cánh.
Việc tự ý mở cửa thoát hiểm không chỉ uy hiếp an toàn bay mà còn gây thiệt hại lớn cho hãng bay khi chậm giờ khai thác và nhiều trường hợp phải giảm lượng hành khách do không đủ số lượng cầu phao.
Mỗi khi cửa thoát hiểm được mở, cầu phao sẽ tự động được bung ra và chi phí để cài đặt lại cầu phao dao động từ 10.000 - 20.000 USD mỗi chiếc. Máy bay sẽ chỉ được chở đầy đủ hành khách khi có đầy đủ cầu phao thoát hiểm.
Nguồn: Zing.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC