Trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản tham gia của 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra hướng dẫn cụ thể liên quan tới gói 120.000 tỷ đồng.
Đối tượng vay vốn của chương trình gồm cả người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Tương tự, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần.
Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá 31/12/2030. Thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Người mua nhà được áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi trong thời gian 5 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.
Lãi suất là 8,7%/năm với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 30/6 năm nay. Kể từ 1/7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.
Chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (Ảnh: Hà Phong).
Nhà điều hành yêu cầu Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank khẩn trương thực hiện chương trình từ ngày 1/4 và ban hành hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống về việc triển khai chương trình.
Ngoài 4 nhà băng "Big 4", các ngân hàng thương mại khác khi tham gia chương trình thì cần thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là một trong những giải pháp gián tiếp cải thiện tình trạng mất cân đối cung cầu về nhà ở trên thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở giá rẻ.
Cập nhật về hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cho biết tính đến hết tháng 2, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đã đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với cuối năm 2022. Trong đó, tăng trưởng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 6,45% và bất động sản tự tiêu dùng, sử dụng tăng 0,25%.
Về cơ cấu, hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vẫn chiếm 33% tổng dư nợ trong lĩnh vực này, tương đương hơn 858.000 tỷ đồng, trong khi 67% còn lại (tương đương hơn 1,74 triệu tỷ đồng) là cho vay bất động sản tự sử dụng.
Theo Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC