Học sinh Việt kiều trước nguy cơ không được thi tốt nghiệp: Rối vì quốc tịch

Trở về Việt Nam sinh sống nhưng vẫn mang quốc tịch nước ngoài nên nhiều trẻ gặp khó khi đi học. Đặc biệt, có học sinh ở Đồng Tháp học đến lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT phát hiện giấy khai sinh và họ tên là… của người khác!

132 1 Hoc Sinh Viet Kieu Truoc Nguy Co Khong Duoc Thi Tot Nghiep Roi Vi Quoc Tich

Một HS có quốc tịch Trung Quốc học lớp 1 tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

Học đến lớp 12 mới biết quốc tịch Trung Quốc

Tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có trường hợp học sinh lớp 12 chuẩn bị làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT mới vỡ lẽ không phải là người Việt Nam. Hỏi ra mới biết, gia đình mượn giấy khai sinh của người quen để em đi học trong khi giấy khai sinh và quốc tịch là người Trung Quốc, tên Lai, Hui-Chun.

Theo UBND huyện Lai Vung, ngày 19/8/2019, UBND huyện Lai Vung nhận được đề nghị điều chỉnh tên do việc mượn khai sinh để đi học. Qua xác minh, mẹ em lấy chồng Trung Quốc, do cuộc sống khó khăn đã gửi em về nước sống với ngoại tại huyện Lai Vung cho đến nay. Đến tuổi đi học, gia đình mượn giấy khai sinh của người quen để em được đến trường với tên N.N.T.T (sinh ngày 11/10/2002). Các hồ sơ học tập đều mang tên N.N.T.T. Khi em học lớp 2, gia đình đến UBND xã làm giấy khai sinh cho em với tên N.T.T.H (sinh ngày 9/9/2003), tên cha mẹ là dì ruột và dượng. Đến tuổi em cũng được cấp giấy CMND…

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Tỉnh đang rà soát các trường hợp học sinh có yếu tố nước ngoài. Em nào chưa có giấy tờ hợp lệ được điều chỉnh để việc học được thuận lợi. Riêng trường hợp em Lai, Hui-Chun, tỉnh kết hợp cùng nhà trường và gia đình em để điều chỉnh các loại giấy tờ. Trước hết, điều chỉnh về bằng cấp để em có thể tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Còn giấy chứng minh nhân dân do em còn khai sinh, quốc tịch Trung Quốc không thể cấp được. Tuy nhiên, ông Tâm khẳng định: Không có chứng minh thư, em vẫn có thể tham gia kỳ thi (mang theo hộ chiếu để vào phòng thi). Sở đang rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan chức năng trong tỉnh và xin ý kiến của Bộ GD&ĐT…

Để trẻ không chịu thiệt thòi

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trẻ có yếu tố nước ngoài, diện con lai khiến các địa phương "đau đầu" về chuyện học.

Theo thống kê của TP Cần Thơ sau đợt cập nhật dữ liệu dân cư, có đến 1.100 trẻ em là con lai không có giấy tờ, không được học hành hoặc học để biết chữ chứ không có hồ sơ, học bạ. Trong số đó, có rất nhiều trẻ em là con lai có cha là người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Như cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), có nhiều trẻ con lai được chính quyền địa phương linh động tạo điều kiện cho học hành.

Tuy nhiên, nhiều trẻ theo mẹ về Việt Nam sinh sống mà không mang giấy tờ tùy thân hoặc trẻ còn mang quốc tịch nước ngoài nên không thể làm thủ tục khai sinh, hộ khẩu. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng vào cuộc và sẵn sàng hỗ trợ nhưng về mặt pháp lý không thể giúp được. Nguyên nhân do các em có quốc tịch nước ngoài phải đợi đến 18 tuổi mới tự quyết chọn quốc tịch.

Theo quy định, trẻ sinh ra ở nước ngoài, có giấy khai sinh sẽ được dịch ra tiếng Việt, chứng thực của cơ quan chuyên môn. Trường hợp không mang khai sinh về, gia đình phải đến cơ quan Tổng Lãnh sự nhờ trích lục lại và xác nhận… Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều bà mẹ không có điều kiện để làm các thủ tục cho con em. Vì vậy, nhiều em không được đến trường hoặc đến trường học chỉ để biết chữ chứ không có học bạ. Học tốt, các em vẫn được lên lớp, nhưng do không có học bạ nên trên thực tế không có cơ sở để xác định đã lên lớp!

Theo thầy Võ Ngô Điền, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lộc 3, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), trẻ đến trường, đầu tiên phải có giấy khai sinh.

Nếu không có khai sinh, học đến lớp 5 không thể tiếp tục học được nữa. Trước mắt, nhà trường tạo điều kiện cho các em học để có kiến thức chứ không thể hoàn thiện hồ sơ như các bạn khác!

Nguồn: giaoducthoidai.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày