Môn tự chọn chèn vào chính khóa
Anh Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) - phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) - bức xúc chia sẻ về việc mà anh cho là "vấn nạn" dạy môn liên kết trong nhà trường.
Phụ huynh này có con vào lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây - ngôi trường luôn trong tình trạng quá tải do đặt ở khu vực có nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Các con học chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng không đủ phòng để học 2 buổi; sĩ số lớp cao hơn quy định (khoảng 46 em/lớp). Học sinh không được học bán trú cả tuần mà chỉ được học 4 ngày/buổi và 2 ngày/2 buổi (đảm bảo 8 buổi/tuần). Trường tổ chức học cả thứ 7.
"Thiếu phòng học vậy mà mới lớp 1 đã học 8 tiết liên kết/tuần, xếp xen vào thời khóa biểu chính khóa. Phản giáo dục ở chỗ nếu không đăng ký môn đó thì đến giờ phải ra khỏi lớp", anh Thành chia sẻ, đồng thời cung cấp tin nhắn trong nhóm phụ huynh của cô giáo.
Cô giáo tuyên bố, nếu không đăng ký học môn liên kết học sinh phải ra khỏi lớp khiến phụ huynh dù không muốn cũng đành tự nguyện một cách ép buộc (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
Người cha bộc bạch, một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ những quy định của nhà trường và thầy cô giáo. Là cha mẹ cũng không ai muốn con mình bị phân biệt đối xử nên đành tự nguyện đăng ký học liên kết một cách ép buộc.
"Dạy liên kết là một vấn nạn lớn, nhiều nơi triển khai rất phản giáo dục. Nếu đã thiếu cơ sở vật chất nên tập trung cho các môn trong chương trình. Hơn nữa ai là người đánh giá kết quả các môn liên kết?", ông Thành bày tỏ.
Một tuần, học sinh lớp 1 có hàng loạt tiết tự chọn được liên kết (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
Chị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) nhìn vào thời khóa biểu dày đặc các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được xếp theo lớp học chính cảm thấy áp lực.
Là công nhân, để lo cho 2 đứa con đủ cái ăn đã là cả nỗ lực khó khăn, nay, chị lo thêm các khoản tự nguyện.
"Thời khóa biểu được xếp sẵn, đan xen tự chọn và chính khóa. Phụ huynh muốn từ chối cũng khó. Chưa kể, nhà trường chưa công bố mức thu như thế nào nên tôi rất lo lắng không đủ tiền đóng cho con", chị Mai kể.
Một thời khóa biểu của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
Nhìn vào bảng thời khóa biểu này có thể thấy, trong 1 tuần, học sinh học đến 5 tiết tiếng Anh của 3 loại hình gồm: Anh văn người nước ngoài, Anh văn Family và Let'smile.
So với kế hoạch giáo dục tiểu học theo chương trình 2018, một số môn học tự chọn như: Anh văn, STEM, tin học, kỹ năng sống.
"Đếm sơ sơ, số tiết liên kết đến gần chục tiết", chị Mai nói.
Sẽ chấn chỉnh tình trạng đào tạo liên kết
Trả lời phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Trần Kim Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây - khẳng định sẽ không "bỏ rơi" học sinh nếu không học liên kết.
"Tôi sẽ kiểm tra và quán triệt lại với giáo viên. Nhà trường không chủ trương cho học sinh ra khỏi lớp nếu không đăng ký. Nếu giáo viên quán triệt như vậy là sai với chỉ đạo", bà Hoàng nói.
Bà Kim Hoàng chia sẻ nhà trường bị áp lực về sĩ số khi có tới 3.000 học sinh và 68 lớp học. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép nên không thể tổ chức học 2 buổi/ngày. Nhà trường linh động sắp xếp phòng học để được học 8 buổi/tuần.
Ngoài lịch học chính khóa theo chương trình khung, thời gian còn lại các em sẽ học môn tự chọn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
Hiệu trưởng cho biết, như các năm trước, đại đa số phụ huynh mong muốn các tiết học được tổ chức học trong giờ để tiện đưa đón con về nhà nghỉ ngơi.
"Những bé có hoàn cảnh khó khăn không có kinh phí học tự chọn, nhà trường yêu cầu giáo viên lập danh sách để trao đổi với phía đối tác miễn phí cho các em. Không để học sinh khó khăn không có tiền đăng ký học phải ra khỏi lớp", bà Kim Hoàng khẳng định.
Trong trường hợp phụ huynh không đồng ý cho con học môn liên kết (vì không muốn chứ không phải thiếu tiền đóng), cha mẹ có thể đón con về sớm hoặc nhà trường sắp xếp cho các bé lên thư viện đọc sách hoặc tổ chức các hoạt động khác.
Trả lời về thời khóa biểu của học sinh có nhiều tiết học tiếng Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây lý giải, chương trình Anh văn Family là tiếng Anh tự chọn, còn Let'smile là sử dụng phần mềm bổ trợ để học sinh phát âm tốt, nhằm tăng cường và nâng cao trình độ sử dụng ngoại ngữ cho học sinh. Những lớp tiếng Anh này, học sinh phải đóng tiền.
Bà Hoàng cho biết tất cả các nhà cung cấp các dịch vụ giáo dục ngoài giờ chính khóa đưa vào nhà trường, đều có đầy đủ các hồ sơ pháp lý cần thiết theo quy định của Sở GD&ĐT TPHCM.
Về mức thu chưa được công bố, Hiệu trưởng cho biết đang chờ chỉ đạo của UBND TP Thủ Đức.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, hiện trường đang sắp xếp lại thời khóa biểu của học sinh, do đầu năm chưa ổn định mọi việc, nên sẽ có sự điều chuyển thời khóa biểu trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho biết đã nắm được tình hình triển khai hoạt động liên kết của các đơn vị trong địa bàn. Do số lượng trường lớn nên quá trình tổng kết, tham mưu với UBND TP Thủ Đức về mức thu, quy định chung còn mất nhiều thời gian.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm tham mưu với UBND TP Thủ Đức để sớm đưa ra quy định thu chi trong đào tạo liên kết. Những đơn vị thực hiện sai quy định sẽ nghiêm túc chấn chỉnh", vị này cho hay.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC