Thủ đô Hà Nội: Quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây gắn liền nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 2/9/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam.
Hồ Gươm với tháp Rùa và đền Ngọc Sơn thuộc quận Hoàn Kiếm. Bao quanh hồ là các con phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay.
Hồ Hoàng Cầu thuộc quận Đống Đa, nơi có tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy qua. Đây là một trong những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ ở Hà Nội.
Sông Hồng, khu vực cầu Chương Dương và cầu Long Biên. Bên này thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, bên kia bờ thuộc quận Long Biên.
Phía tây nam thành phố có tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam - Keangnam Landmark 72 - với diện tích hơn 300.000 m2. Đây được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, đặc biệt là sự tăng trưởng về xây dựng cũng như ngành công nghiệp dịch vụ, những ngành thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội.
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng lớn thứ hai Việt Nam, có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng. Là một trong 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, cầu Nhật Tân có 5 trụ tháp hình thoi, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh.
Nút giao Trung Hòa có 3 tầng, nối các tuyến đường Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - đại lộ Thăng Long. Đây là cửa ngõ kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía tây và các trục chính phía đông bắc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn và ngược lại.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (hay Quảng trường 19/8) nằm trước Nhà hát lớn Hà Nội. Ngày 19/8/1945, nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Công trình có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường dẫn khoảng 5,8 km.
Hồ Linh Đàm ở quận Hoàng Mai, nơi có cầu vượt đường vành đai 3 đi qua. Gần đây, một công trình cầu vượt hồ trị giá hơn 340 tỷ đồng được xây dựng, dự kiến đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng thủ đô 10/10 năm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh: Trụ sở UBND TP.HCM được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế theo kiểu lầu chuông đúc cao có nóc nhọn. Kiến trúc của tòa nhà mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời kỳ Phục Hưng.
Nhà thờ Đức Bà (hay Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn) tọa lạc tại quận 1, TP.HCM, với gần 140 năm tuổi. Từ năm 2018 đến nay, hoạt động trùng tu công trình này đang được duy trì.
Dinh Độc Lập (trước đây là Dinh Norodom, nay là Dinh Thống Nhất) là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của TP.HCM, được đưa vào sử dụng từ ngày 31/10/1966. Đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Khu trung tâm TP.HCM với các toà nhà chọc trời như Bitexco, Vietcombank Tower, Saigon Times Square, Hilton Sài Gòn.
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2, quận 7 và quận 9. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2005 và khánh thành ngày 2/9/2009. Cầu dài hơn 2.000 m, rộng 27,5 m, có 6 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, cho phép 100.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày giữa khu phía đông, cảng Cát Lái với khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Tòa nhà Landmark 81 có độ cao 461,3 m, là công trình thuộc top những tòa nhà cao nhất thế giới do người Việt kiến tạo. Cư dân sinh sống ở đây có thể trải nghiệm cuộc sống thượng lưu ở sky bar, cigar lounge và đài quan sát 360 độ.
Tòa nhà Bitexco cao thứ nhì TP.HCM, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2004, khánh thành ngày 31/10/2010. Ý tưởng thiết kế được kiến trúc sư người Mỹ Zapata lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng của dân tộc, đại diện cho một Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn gìn giữ bản sắc.
Đường Võ Văn Kiệt khánh thành ngày 2/9/2009, với tổng chiều dài giai đoạn 1 là 13,428 km (từ nút giao Tân Kiên, Bình Chánh đến điểm giao giữa đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng). Cùng với đường Mai Chí Thọ và Phạm Văn Đồng, đây là một trong 3 đại lộ đẹp nhất TP.HCM.
Cầu vượt ngã ba Cát Lái đã làm thay đổi diện mạo cửa ngõ phía đông của TP.HCM. Giao lộ này trước đây là điểm nóng kẹt xe, tai nạn giao thông.
Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công năm 2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Cầu dài 1,4 km với 6 làn xe, có thiết kế dây văng bất đối xứng với trụ tháp cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm. Với thiết kế đậm tính thẩm mỹ, cây cầu sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu bờ sông trung tâm quận 1.
Việc mở rộng xa lộ Hà Nội, xây mới đường Song Hành, đặc biệt là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã giúp cửa ngõ TP.HCM phía cầu Sài Gòn "lột xác". Khi thành phố Thủ Đức ra đời và phát triển với lõi là khu Trường Thọ, khu vực này được kỳ vọng là trung tâm đô thị mới của TP.HCM.
Tuấn Trần - Quỳnh Danh - Chí Hùng
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC