Những năm qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã để xảy ra nhiều vụ buôn lậu, mua bán hàng cấm do chính phi công và tiếp viên thực hiện.
Nhiều vụ buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng trái phép bị phát hiện, nhân viên của Vietnam Airlines cũng đã phải chịu án phạt tù.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do cách điều hành và quản lý lỏng lẻo của Vietnam Airlines khiến nhân viên hư hỏng?
Cảnh sát Nhật Bản bắt giữ nữ nhân viên Vietnam Airlines trong một vụ buôn lậu vào tháng 3/2014. (Ảnh: NHK)
Mới đây nhất, ngày 11/1/2019, cơ trưởng của Vietnam Airlines đang giao 120 chai nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng, như: Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance và 3 điện thoại di động cho Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1960, ngụ quận Gò Vấp) thì bị lực lượng thuộc Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ. Lô hàng ước tính có giá trị vào khoảng 4.300 Euro.
Tại cơ quan điều tra, cơ trưởng khai về đường “đi thẳng” của lô hàng lậu từ khu vực miễn thuế sân bay Paris Chales De Gaulle (Pháp). Cơ trưởng của Vietnam Airlines đã mang về trên chuyến bay VN19 đáp xuống tại ga Nội Bài (thành phố Hà Nội).
Sau đó, lô hàng tiếp tục “bay” vào sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN225 với tư cách nhân viên tổ bay.
Vụ việc chỉ bị phát hiện bởi lực lượng Công an Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đường đi của lô hàng phải qua 2 chặng bay và qua nhiều khâu kiểm soát, nhưng đều trót lọt. Đó là do kiểm tra, kiểm soát lỏng lẻo hay còn có lý do nào khác? Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ.
Đây không phải lần đầu tiên nhân viên của Vietnam Airlines mang hàng lậu, hàng cấm.
Tháng 3/2015, Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị lực lượng chức năng Hàn Quốc bắt giữ sau khi xác định mang tới 4kg vàng vào nước này trái phép.
Đến tháng 5/2015, hai người này bị kết án treo và bàn giao cho cơ quan xuất nhập cảnh trả về Việt Nam.
Vào năm 2014 nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển quần áo ăn cắp.
Vào tháng 9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) còn nguyên tem mác chưa qua sử dụng, nhưng không khai báo.
Lực lượng an ninh đã lập biên bản bàn giao vụ việc về Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.
Vào tháng 6/2011, Vietnam Airlines cũng dính tai tiếng khi tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, cơ quan điều tra còn xác định được nhiều tiếp viên của Vietnam Airlines có tham gia buôn lậu.
Tháng 6/2010, tại Australia có tới 7 tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ để điều tra nghi vấn liên quan vận chuyển một điện thoại iPhone, iPad từ nước này về Việt Nam.
Năm 2008 cũng là một năm dính tai tiếng rất đáng quên của Vietnam Airlines, khi mà cả phi công và nhiều tiếp viên liên tục vi phạm pháp luật:
Phi công Lại Quốc Việt bị cơ quan an ninh tại Úc bắt giữ do nghi ngờ liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn ma túy tại quốc gia này.
Đặng Xuân Hợp – cơ phó của Vietnam Airlines bị hải quan Nhật Bản phát hiện có liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, như: quần áo, giày dép…
Mỗi chuyến buôn, Đặng Xuân Hợp được chủ hàng trả 100 USD, nhưng Cơ phó khai với nhà chức trách Nhật Bản, không biết lô hàng trên là đồ phi pháp.
Cũng trong năm này, 2 tiếp viên Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Hàn Quốc bắt giữ tại sân bay Incheon. Cả 2 được xác định mang theo 300.000 USD vào Hàn Quốc.
Vào năm 2006, phi công Trần Đình Đang đã bị bắt giữ tại Úc do vi phạm quy định luật pháp nước này. Theo quy định của Úc thì cá nhân không được phép mang quá 10 nghìn đô la, nhưng Trần Đình Đang đã bị kết án 4 năm 6 tháng tù do vận chuyển trái phép 6,5 triệu đô la Úc.
Từ một số vụ việc trên cho thấy phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines buôn lậu, mang hàng cấm, hàng không có nguồn gốc (thậm chí là hàng trộm cắp)… không phải là sự việc hiếm. Những vụ việc như vậy xảy ra quá nhiều đã làm xấu đi hình ảnh của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines trong mắt người dân trong nước và dư luận quốc tế.
Sau nhiều vụ việc xảy ra dư luận cũng đã đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của những người đứng đầu hãng hàng không này.
Theo giaoduc.net.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC