Hệ sinh thái BKAV, từ nợ lương lao động đến khoản nợ khó đòi

BKAV Pro - công ty con của BKAV đang gánh khoản nợ khó đòi hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, một công ty con khác là Công ty Cổ phần Điện tử BHS cũng đang nợ lương người lao động.

1 He Sinh Thai Bkav Tu No Luong Lao Dong Den Khoan No Kho Doi

Nhân tố khiến công ty chứng khoán trích lập dự phòng hàng chục tỉ đồng

Công ty Cổ phần BKAV (BKAV) là doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, nhà sản xuất smartphone, thiết bị điện tử thông minh, Smart City và AI camera. Người sáng lập BKAV là ông Nguyễn Tử Quảng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc (CEO).

Ngoài ra, ông Nguyễn Tử Quảng còn là người đại diện của Công ty CP phần mềm diệt virus BKAV (BKAV Prov) và Công ty cổ phần điện tử BHS. Đây đều là những công ty con, nằm trong hệ sinh thái của BKAV.

Hiện hai công ty con này đều gặp những vấn đề khó khăn về dòng tiền.

2 He Sinh Thai Bkav Tu No Luong Lao Dong Den Khoan No Kho Doi

Tài liệu từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, doanh nghiệp có khoản phải thu khó đòi 31,5 tỉ đồng đối với Công ty CP Phần mềm Diệt virus BKAV. Đến thời điểm 31.12 năm ngoái, VNDIRECT đã phải trích lập dự phòng hơn 22 tỉ đồng đối với khoản nợ này từ BKAV Pro.

Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 48/2019/TT-BTC, dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.

3 He Sinh Thai Bkav Tu No Luong Lao Dong Den Khoan No Kho Doi

VIDIRECT đã trích lập dự phòng hơn 22 tỉ đồng đối với khoản phải thu từ BKAV Pro. Ảnh: BCTC quý IV/2023 của VNDIRECT

Theo VNDIRECT, với nguyên nhân do thị trường khó khăn, BKAV Pro ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu chỉ đạt 52,5 tỉ đồng - giảm 28,1%.

Trong kỳ 6 tháng đầu năm ngoái, BKAV Pro tập trung khai thác qua kênh bán hàng online trực tiếp chiếm 71% tổng doanh thu với 37 tỉ đồng. Doanh thu kênh phân phối/đại lý giảm 53,8% so với cùng kỳ xuống 12 tỉ đồng do thẻ tồn kho thấp. Cũng trong giai đoạn này, biên lợi nhuận gộp kỳ giảm 7,8% so với cùng kỳ xuống 64%; EBITDA giảm 31% so với cùng kỳ xuống 30,5 tỉ đồng; tỉ lệ EBITDA/doanh thu là 58,1%.

Tổng tài sản BKAV Pro 6 tháng đầu năm 2023 đạt 522,2 tỉ đồng, ổn định so với cuối năm 2022. Tài sản dài hạn giảm 12% so với cùng kỳ xuống 81% do một số khoản phải thu cho vay dài hạn chuyển thành ngắn hạn.

Về cơ cấu nguồn vốn, tỉ lệ vốn chủ sở hữu/nguồn vốn đạt 39%. Tỉ trọng nợ vay ngắn hạn tăng 33% so với cùng kỳ lên 44% do các khoản nợ dài hạn đến hạn.

Trước đó, Công ty này phải huy động 170 tỉ đồng trái phiếu để làm ăn. Tài sản đảm bảo gồm 5.443.000 cổ phần BKAV Pro thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần BKAV và 4.900.000 cổ phần BKAV Pro thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng. Mục đích phát hành của BKAV Pro là để tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tổ chức phát hành và các mục đích được phép khác theo quy định của pháp luật.

Lãi suất phát hành thực tế: Trong 12 tháng đầu tiên từ khi phát hành, lãi suất cố định là 10,5%/năm. Lãi suất trái phiếu từ tháng 12 đến ngày đáo hạn là lãi suất thả nổi và không thấp hơn 10,5%/năm.

Tài sản đảm bảo 5.443.000 cổ phần BKAV Pro thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần BKAV được Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân định giá hơn 969 tỉ đồng.

Trái phiếu là một trong những hình thức huy động vốn, giúp doanh nghiệp có thêm tiền để làm ăn, đi kèm với việc trả lãi cho trái chủ (người mua trái phiếu).

Nợ lương người lao động

Ông Nguyễn Tử Quảng hiện cũng đang là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Điện tử BHS - một công ty con khác của Công ty Cổ phần BKAV.

Như Báo Lao Động đã phản ánh, nhiều người lao động từng làm việc tại Công ty Cổ phần Điện tử BHS (ngõ 121 Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đồng loạt lên tiếng về việc họ cũng bị công ty này nợ lương trong thời gian dài, khiến cuộc sống lâm cảnh khó khăn.

Hiện Báo Lao Động tiếp tục nhận được rất nhiều phản hồi của người lao động làm việc tại BKAV, kiến nghị công ty giải quyết các vấn đề về lương, chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Cẩm - cán bộ Phòng Lao Động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho biết, Phòng đã tiếp nhận đơn của 3 người lao động về tranh chấp lao động.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy đã có buổi hoà giải với các bên liên quan bao gồm: Người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, có trường hợp người lao động không chấp thuận đề nghị từ phía người sử dụng lao động.

Nguồn: Báo Lao động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày