''Hậu'' cổ phần hóa: Thua lỗ triền miên, mất vốn nhà nước

Việc ì ạch cổ phần hóa, rồi lại chây ì thoái vốn tái cơ cấu, “đẩy” tư nhân ra khỏi cuộc chơi... đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn trong tình trạng làm ăn bết bát, thua lỗ.

132 1 Hau Co Phan Hoa Thua Lo Trien Mien Mat Von Nha Nuoc

Vinafood 2 vẫn “ngập” trong thua lỗ, nguy cơ mất vốn nhà nước. ẢNH: KHẢ HÒA

Tư nhân bị cho “ra rìa”

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 128 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7 vừa qua, mới hoàn thành CPH 37 DNNN, bằng 28% kế hoạch. Tiến độ CPH hiện rất chậm so với mục tiêu đề ra.

"Chúng ta nên chuyển khái niệm CPH sang tư nhân hóa. Chỉ khi nào khái niệm tư nhân hóa được áp dụng thì quá trình đó may ra mới thực hiện được. Đặt mục tiêu thì mục tiêu phải phản ánh tính thị trường rõ ràng hơn. Nếu không đạt được thì thế nào, ai chịu trách nhiệm."

TS Trần Đình Thiên

Song, điều đáng lo nhất lại nằm ở thực trạng làm ăn yếu kém, thua lỗ tại các DN sau CPH. Số liệu của Bộ Tài chính “điểm danh”: Tổng công ty CP xây dựng Sông Hồng lỗ phát sinh 387 tỉ đồng; Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh VN (K+) lỗ phát sinh 350 tỉ đồng; Tổng công ty CP xây dựng và công nghiệp VN lỗ phát sinh 313 tỉ đồng; Công ty liên doanh Hải Thành lỗ phát sinh 52 tỉ đồng; Công ty TNHH đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VINECO Tam Đảo lỗ phát sinh 49 tỉ đồng; Công ty CP cà phê Phước An lỗ phát sinh 35 tỉ đồng...

Điển hình trong số thua lỗ là trường hợp Tổng công ty CP lương thực miền Nam (Vinafood 2). Tháng 2.2018, DN này thực hiện CPH với một thương vụ IPO đình đám, cổ phiếu được chào bán công khai giá 10.100 đồng/cổ phần. Với kỳ vọng vực dậy “cánh chim đầu đàn” ngành xuất khẩu lúa gạo một thời, Tập đoàn T&T của “bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T) nhập cuộc, chi 1.200 tỉ đồng mua lại 25% cổ phần của Vinafood 2.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Vinafood 2 (mã VSF), lũy kế 6 tháng, công ty mẹ của VSF lỗ 160 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, sau khi “chốt sổ” vào cuối năm 2018, công ty mẹ lỗ lũy kế 1.836 tỉ đồng, tính đến hết 30.6.2020 lỗ tăng lên 2.188 tỉ đồng. Trên sàn chứng khoán, đóng cửa ngày 9.10, VSF có giá 8.100 đồng/cổ phiếu, giảm gần 20% so với khi lên sàn.

Có hàng loạt nguyên nhân khiến DNNN sau CPH lỗ vẫn hoàn lỗ, mất vốn nhà nước. Song, nguyên nhân chính vẫn là do các cổ đông tư nhân bị cho “ra rìa”. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng việc CPH phải mang đến sự thay đổi toàn bộ về lượng và chất (con người, quản trị, chiến lược kinh doanh...), “bình mới rượu mới” sẽ mang lại hiệu quả.

Tại Vinafood 2, suốt 2 năm sau khi CPH, nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% cổ phần chi phối. Mặc dù đã có sự tham gia của nhóm các cổ đông mới bên ngoài, có cơ cấu vốn mới, nhưng hoạt động vẫn theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Bán 1% cũng được coi là Cổ phần hóa ?

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng có một quan niệm sai lầm hiện nay là bán 1% cổ phần cũng được coi là CPH. Việc CPH chỉ 1% không liên quan gì đến phân bổ nguồn lực hay chuyển đổi sở hữu. Nhiều DN sau khi cổ phần không thoái vốn, không thay đổi cơ cấu quản trị, tư nhân không có tiếng nói.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, sau khi CPH, chậm thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho nhà nước càng lớn. Một điểm đáng lo ngại hơn được vị chuyên gia này chỉ ra là tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

“Nếu nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn”, ông Long cảnh báo.

Ông Ngô Văn Tuyển, thành viên HĐQT - Tổng giám đốc Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp VN (VEAM), cũng cho rằng các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của DN, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng.

Tại cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (viết tắt UB) ngày 9.10, Vinafood 2 đã kiến nghị UB cần đẩy nhanh quyết toán vốn nhà nước lần 2, và có ý kiến đối với UBND TP.HCM và Bộ Tài chính trong việc thống nhất phương án sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nhanh chóng thoái vốn tại tổng công ty và các đơn vị thành viên để tránh tiếp tục tình trạng thất thoát, thua lỗ, mất vốn nhà nước; thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống quản lý, quản trị các công ty trực thuộc. Vinafood 2 cũng kiến nghị sớm tổ chức đại hội cổ đông theo quy định của luật Doanh nghiệp cũng như điều lệ.

 

Anh Vũ

Nguồn: thanhnien.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày