Cô không còn cố giấu cánh tay giả với móng kim loại hoặc vết sẹo ở miệng nữa.
Hiện nay cô đã lập gia đình, có hai người con và sống tại California. Cô mỉm cười thường xuyên hơn.
Và bây giờ, cùng với đoàn làm phim đi cùng mình, cô Đào tin rằng câu chuyện của cô có thể sẽ thay đổi trái tim và tâm trí quê hương Việt Nam, nơi những người khuyết tật thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Cô Đào nói: “Nếu tôi không rơi vào than tôi sẽ không trở thành tôi ngày hôm nay. Tôi tin rằng tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do cả.”
Khi cô Đào còn là một đứa trẻ sơ sinh ở nông thôn tỉnh Bình Định, mẹ cô cố sưởi ấm cho cô bằng cách đốt than củi. Nhưng cô đã lăn ra khỏi võng và rớt vào chậu than.
Ngọn lửa đã thiêu rụi các ngón tay của cô và khiến cho cánh tay cô không duỗi thẳng ra được nữa. Trong một thời gian dài, cô không thể hé miệng lớn được.
Vào năm 2004, khi cô Đào khoảng 22 tuổi – làng cô ở không giữ hồ sơ khai sinh của cô – cô nghe trên đài phát thanh rằng có một đoàn bác sĩ Mỹ đến chữa bệnh tại một ngôi làng khác cách chỗ cô 30 dặm.
Trong số đó có bác sĩ Frank Walchak, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từ Spokane, và vợ ông, Carolyn, khi đó là y tá phòng phẫu thuật.
Bác sĩ Frank Walchak nhớ lại lần đầu gặp cô Đào: “Cô ấy tiến đến và tôi thấy rõ sự khẩn khoản trên khuôn mặt cô ấy.”
Bác sĩ Walchak và một bác sĩ khác đã phẫu thuật cho cô Đào ở Việt Nam nhưng họ biết cô ấy cần được điều trị nhiều hơn nữa. Vợ chồng bác sĩ Walchak muốn giúp đỡ cô gái hiền lành và rụt rè này, họ đã mất nhiều tháng để giúp cô xin chiếu khán sang Mỹ và đến Spokane để chữa trị.
cô Đào tin rằng câu chuyện của cô có thể sẽ thay đổi trái tim và tâm trí quê hương Việt Nam. Photo Credit: Dan Pelle / The Spokesman-Review)
Sau chuyến xe 36 giờ đồng hồ từ quê nhà vào Sài Gòn, cô Đào đã đáp xuống phi trường Seattle vào Ngày Của Cha năm 2006. Cô đã ở cùng gia đình Walchak 9 tháng tiếp theo, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, gắn tay giả, học lái xe và hoàn thiện khả năng tiếng Anh của mình.
Cô đã quay trở lại Spokane nhiều lần sau đó và gọi vợ chồng bác sĩ Walchak là ‘Bố’ và ‘Mẹ’. Họ xem cô là đứa con gái thứ ba của mình.
Trước khi lên đường sang Mỹ phẫu thuật, cô Đào chưa từng rời ngôi làng nơi mình sinh ra và chưa từng tiếp xúc với thế giới hiện đại.
Bác sĩ Walchak kể về cô: “Cô ấy chưa từng đi thang máy, không biết vệ tinh là gì, chưa bao giờ nghe nói đến việc con người đã đáp xuống Mặt Trăng.”
Khi đến Mỹ, cô Đào cảm thấy mọi thứ hoàn toàn xa lạ, từ thức ăn đến giao thông. Bà Carolyn Walchak nói rằng cô Đào luôn níu tay bà ấy khi đi bất kỳ đâu.
Bây giờ, bà rất kinh ngạc trước sự kiên trì và quyết định nắm bắt cơ hội đổi đời của cô.
Bà Walchak nói rằng: “Hạt giống nảy nở trong đất màu mỡ. Cô ấy rất thông minh, đó là lý do cô ấy đến được đây. Cô ấy dạy cho tôi biết rằng không cần khoa bảng để trở nên thông minh.”
Cô Đào, năm nay 33 tuổi, là khách mời danh dự cho chương trình Rotary International về gia đình Walchak. Rotary International là tổ chức từ thiện liên kết với Rotaplast International – tổ chức tài trợ cho chuyến đi của đoàn bác sĩ về Việt Nam năm 2004.
Trong lúc thuyết trình, bác sĩ Walchak chiếu ảnh cô Đào đẩy xe hành lý cao ngất trong lần đầu tiên quay về Việt Nam, trong khi lúc cô đến Mỹ chỉ với một túi đồ.
Trong một bức ảnh khác, cô mỉm cười khi đang ngồi trên chiếc xe máy màu đỏ khi cô học lái một tay trên đường phố Sài Gòn.
Sau cuộc gặp Rotary, cô Đào và cha mẹ nuôi người Mỹ đã đến gặp Cheryl Jones – chuyên gia trị liệu chức năng – người đã giúp cô hồi phục sau phẫu thuật.
Họ đã cùng với 3 nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện một bộ phim dài 30 phút được phát sóng vào giờ vàng.
Nguyễn Minh Hà – xướng ngôn viên thực hiện đoạn phim nói rằng mục tiêu là truyền cảm hứng cho người khuyết tật ở Việt Nam, nơi mà họ thường không thể cạnh tranh cơ hội việc làm và học vấn, thậm chí còn gặp nhiều hạn chế trong việc kết hôn. Cô nói nhiều người phải cam chịu nhận đồng lương bóc lột trong hãng xưởng may mặc ở Việt Nam.
Câu chuyện của cô Đào Nguyễn mang lại niềm hy vọng, cô Hà nói: “Cô ấy có sức thu hút. Cô ấy rất mạnh mẽ.”
Vào năm 2009, cô Đào đang làm việc cho một công ty du lịch ở Việt Nam và phụ đỡ cha mẹ già. Năm sau đó, cô kết hôn với nha sĩ nhi khoa, người đã đi công tác sang Việt Nam cùng bác sĩ Walchak.
Cô Nguyễn nói: “Chúng tôi vẫn giữ liên lạc trong 5 năm qua.”
Cô ấy vẫn cảm thấy vui khi nhìn lại chiếc nhẫn “kim cương” đính hôn khổng lồ mà chồng cô mua ở Sài Gòn. Cô biết nó là đồ giả ngay từ đầu nhưng chồng cô không phát hiện cho đến khi anh đến gặp một người bạn làm đồ trang sức ở Spokane vài tháng sau đó.
Cô Đào kể: “Anh ấy nghĩ tôi sẽ giận anh ấy!”
Vợ chồng cô đang sống Murphys, California. Họ có một cô con gái 5 tuổi và một cậu con trai 3 tuổi. Hiện cô đang làm kế toán tại phòng khám nha khoa của chồng ở gần Sonora.
Cô Đào nói rằng cô rất ngại việc chụp ảnh và lưỡng lự trước lời mời tham gia bộ phim tài liệu nhưng cô đã đồng ý sau khi chồng cô, bạn bè và gia đình thuyết phục.
Cô hy vọng gửi thông điệp này đến những người trẻ khuyết tật không có nhiều hy vọng cho tương lai: “Hãy tự hào về bản thân mình và những thay đổi sẽ đến.”
© 2024 | Thời báo ĐỨC