Hầu hết các DN này không đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngân hàng
Yếu tố cũ gây cản trở
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, chia sẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong muốn được vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, nhưng không dễ tiếp cận do những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa ngân hàng với DN.
Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng vào hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này làm cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Nhiều DN nhỏ và vừa tại Thái Nguyên cũng phản ánh tình trạng khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, cũng như những vướng mắc trong quy định về đảm bảo tài sản thế chấp.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, cho biết, dịch Covid-19 khiến các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN siêu nhỏ, trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Họ lại rất khó tiếp cận gói ưu đãi 250.000 tỷ đồng từ ngân hàng vì các báo cáo tài chính cùng hạn mức vốn của DN còn hạn chế.
Tại Vĩnh Phúc, trong suốt 3 tháng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu của các DN nhỏ và vừa giảm mạnh, thậm chí là không có thu nhập. Thế nhưng, hồ sơ chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 khá phức tạp khiến họ khó được hưởng ưu đãi.
Bà Dương Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc cho hay tất cả 115 hội viên đang rất sốt ruột, lo lắng. Với phần lớn hội viên là những DN nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh sản xuất, gia công, kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng,... việc phải tạm dừng hoạt động khiến nhiều nữ chủ DN đứng trước nguy cơ phá sản.
Để vượt qua khó khăn, DN cần được giãn nợ, giảm lãi suất cho vay số nợ cũ, cùng với đó, được vay mới từ gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thì rất nhiều DN không tiếp cận được do không có tài sản đảm bảo, bà Dương Thị Kim Anh nói.
DN nhỏ và vừa kêu khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời điểm bình thường, các DN nhỏ và vừa đã rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Một khảo sát của VCCI cuối năm 2019 cho thấy, tỷ lệ DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đứng vị trí thứ hai, sau khó khăn về tìm kiếm khách hàng, cao hơn cả các khó khăn khác như tìm kiếm lao động, biến động thị trường, biến động chính sách luật pháp...
Cụ thể, có 86% DN nhỏ và vừa tham gia khảo sát cho hay không thể vay vốn ngân hàng, nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay luôn khó khăn; 40% phản ảnh ngân hàng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi; 44% nhận xét thủ tục vay vốn phiền hà và 39% cho rằng phải bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để được vay vốn.
Sau dịch Covid-19, việc tiếp cận vay vốn ưu đãi từ ngân hàng còn khó khăn hơn. Một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại khi cho DN nhỏ và vừa vay, vì lo họ không có khả năng trả nợ. Điều này khiến DN gặp bế tắc trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Do đó, các DN nhỏ và vừa đều mong muốn đơn giản hóa thủ tục, có chính sách dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, giảm lãi vay xuống còn 4-5%... giúp họ tháo gỡ khó khăn, VCCI đề cập.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Phía ngân hàng lại lý giải, nhiều DN nhỏ và vừa đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để cơ cấu lại. Hơn nữa, các DN này chưa thực sự linh hoạt trong hoàn cảnh "bình thường mới", chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó thẩm định, quyết định cho vay.
Các DN nhỏ và vừa kêu khó tiếp cận vốn, không có tài sản thế chấp nhưng lại không chấp nhận cho ngân hàng quản lý dòng tiền, không chứng minh được đầu vào, đầu ra...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho hay, trong quá trình rà soát, đánh giá khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng gặp khó khăn khi thu thập hồ sơ tài liệu khách hàng là hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ. Đối tượng này không có hệ thống sổ sách kế toán hoặc có ghi chép nhưng không đầy đủ, dẫn đến khó xác định mức độ ảnh hưởng, mức độ thiệt hại cụ thể. Vì vậy khó quyết định hình thức hỗ trợ phù hợp.
Nên có gói hỗ trợ bổ sung vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng để các DN dễ tiếp cận vốn hơn
Còn Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tỉnh Thái Nguyên nhận xét, hầu hết các DN nhỏ và siêu nhỏ có cơ cấu tổ chức tiết giảm tối đa, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Vì vậy, việc thực hiện các dự án đầu tư, các phương án kinh doanh hoặc các cơ chế pháp lý còn nhiều bất cập. Việc xây dựng phương án kinh doanh còn thiếu, chưa rõ ràng. Do đó, cơ sở để các ngân hàng thẩm định thông tin đầu vào, kể cả các báo cáo mang tính chất minh bạch của DN nhỏ và vừa luôn khó khăn hơn so với các DN lớn.
Do đó, việc trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi đến nay vẫn khó khăn, khiến các DN nhỏ và vừa muốn hồi phục sản xuất kinh doanh nhưng không dễ.
Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN vay vốn. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay; chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng.
Về phía DN, theo Công ty nghiên cứu thị trường KPMG Việt Nam, cần đánh giá đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch quản trị tài chính. Cần xem xét lại tính minh bạch thông tin, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình, qua đó sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hơn.
Theo TS Trần Hoàng Ngân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Chính phủ nên có gói hỗ trợ bổ sung vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các DN tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do UBND tỉnh, thành phố lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Lâu nay, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này, nguồn bổ sung từ Chính phủ sẽ giúp quỹ bảo lãnh cho DN vay vốn có tiền hỗ trợ bù đắp rủi ro.
Còn TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất, để DN dễ tiếp cận vốn có thể chuyển dịch rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ. Việc này có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước sang các ngân hàng tư nhân.
Nguồn: Trần Thủy/ Vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC