Hải Phòng tính chi 131 tỷ đồng xây tượng đài, ngang số tiền xây 32 nhà trẻ

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay họ đang cân nhắc dự án xây dựng tượng đài Chiến thắng Cát Bi do Sở Kế hoạch và Đầu tư của thành phố đề xuất lên, các báo Việt Nam tường thuật hôm 3/4.

1 Hai Phong Tinh Chi 131 Ty Dong Xay Tuong Dai Ngang So Tien Xay 32 Nha Tre

Tin cho hay dự án có tổng mức đầu tư hơn 131 tỷ đồng để xây quảng trường, tượng đài và phù điêu, đài phun nước, khuôn viên cây xanh, v.v… trên diện tích hơn 2,6 hectare giáp đường vào sân bay Cát Bi. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành xong trước dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi, ngày 7/3/2024.

Các báo trong nước trích dẫn một đại diện chính quyền Hải Phòng, nhưng không nêu danh tính, cho biết rằng các lãnh đạo đảng và chính quyền thành phố “đã có văn bản đồng ý lựa chọn mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi”.

Theo tìm hiểu của VOA, sử sách Việt Nam mô tả rằng vào rạng sáng 7/3/1954, 32 cán bộ và binh sĩ cộng sản Việt Nam tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút vào sân bay Cát Bi, phá huỷ và đốt cháy khoảng 59 máy bay các loại, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ của quân đội Pháp.

Trong quá trình trinh sát, chuẩn bị và chiến đấu, đã có 16 cán bộ, binh sĩ cộng sản bị bắt và tử trận.

Dư luận Việt Nam trên mạng xã hội tỏ ý không mấy ủng hộ dự án xây dựng tượng đài kể trên của Hải Phòng nói riêng và các tượng đài trên khắp Việt Nam trong thời gian gần đây nói chung, theo quan sát của VOA.

Thượng tá công an, nhà báo Nguyễn Hồng Lam, có hơn 62.000 người theo dõi trên Facebook, đưa ra ý kiến trên trang cá nhân hôm 3/4 rằng trên đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, việc xây tượng đài ở một đôi chỗ tiêu biểu “còn có lý”, nhưng đua nhau dựng tượng đài chiến thắng ở tỉnh này, huyện nọ là việc làm “hoàn toàn vô nghĩa”.

“Nó chỉ khiến quỹ đất vốn đã hạn hẹp dành cho phát triển trong tương lai thêm kiệt quệ, ngân sách quốc gia bị bào khoét, sức dân hao mòn, tạo ra cơ hội tham nhũng, đục nước bèo cò, tạo cơ hội làm hư hỏng đội ngũ con người trong bộ máy hành chính”, ông Lam nhấn mạnh trong bài viết được hơn 1.200 người bày tỏ ủng hộ.

Ông kêu gọi “nên dừng lại ngay” việc xây dựng tượng đài kỷ niệm, thay vào đó, “hãy lập bia, nhỏ thôi, để có nơi khói hương tưởng niệm ở những chỗ đã từng xảy ra thảm cảnh, đau thương, bi kịch”.

Từ quan sát của mình về việc các tỉnh, thành “đua nhau tạc những quần thể di tích đồ sộ, thỉnh thoảng lễ lạt tập trung ngàn vạn con người” rồi lại “bỏ mặc” cho hư hỏng, xuống cấp, vị thượng tá công an gọi đó là “lãng phí và kệch cỡm”.

Ông Lam viết rằng những công trình như thế “không đóng góp gì cho văn hóa, lịch sử địa phương và đất nước”, thậm chí trái lại, chúng có thể “gây hoài nghi, mỉa mai, tranh cãi và chia rẽ xã hội”.

Có ước tính cho thấy kinh phí để xây tượng đài chiến thắng Cát Bi tương đương với số tiền xây được 32 trường mầm non cấp xã ở Hải Phòng. Theo tìm hiểu của VOA, một bản tin trên báo chí Việt Nam hồi tháng 5/2017 cho hay trường mầm non xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, gồm 2 tầng và 4 phòng học “hiện đại” có khả năng phục vụ “khoảng trên 100 bé”, với tổng mức đầu tư xây là 3,9 tỷ đồng.

Nguồn VOA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày