Juli Zeh là nhà văn trẻ tại Đức, năm 2010 cô nhận học bổng Viện Goethe để qua Việt Nam trải nghiệm. Chỉ 3 tuần đi khắp Việt Nam, Juli có những trang viết du ký với góc nhìn lạ, khá thú vị về đất nước lần đầu đặt chân tới.
Tên cho cuốn sách được cô đặt tên là Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa.
Ấn tượng đầu tiên và kéo dài suốt hành trình 3 tuần của Juli tại Việt Nam là về giao thông.
Juli viết:
Juli gọi những người đi trên xe gắn máy một cách hài hước là “đội quân cướp nhà băng sặc sỡ” – vì họ như những Ninja trùm kín mít người bằng mũ bảo hiểm, kính đen, khăn với áo. Nhưng khi đi thử xe ôm vài hôm, Juli mới nhận ra rằng: Với người Đức, khi ra đường, an toàn gần như tuyệt đối khiến mọi thứ trở lên bức bí thì ở VN, sự trải nghiệm giao thông với lạng lách, còi và phanh gấp, đã cho cô nhiều thú vị, “rất con người!”.
Juli Zeh và cuốn sách vừa phát hành.
Nhưng Juli còn cảm nhận ở Việt Nam nhiều điều khác đầy trái ngược như thức ăn rất ngon nhưng an toàn vệ sinh lại có vấn đề. Sự thân thiện nhưng cũng không thiếu sự ồn ào, tạp nham; nhiều hàng quán văn minh, hiện đại nhưng ứng xử phục vụ có khi lại rất quê mùa…
Nó đa dạng, hỗn tạp, rắc rối tới mức Juli tổng kết bằng một câu:
“Đất nước của sự hòa tan nhưng mâu thuẫn khó hiểu”. Là một người đi cùng với Juli trong những ngày khám phá Việt Nam, dịch giả Đinh Bá Anh nhận xét: “Juli đến từ một đất nước có sự phát triển lâu đời về kinh tế và văn hóa, nhưng góc nhìn của Juli tại Việt Nam lại không hề có sự miệt thị mà là một sự trải nghiệm để chia sẻ, để hòa mình và cảm nhận.
Cô tự coi mình là con chó nhỏ, tò mò săm soi với cuộn len để tìm kiếm bí mật. Bí mật của Việt Nam được Juli khám phá làm cho mọi người cảm thấy yêu mến hơn, tò mò hơn về vùng đất này”.
Nhà văn Lê Minh Khôi, tay viết du ký nổi tiếng Việt Nam, nhận xét về cuốn Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa rằng: “Khi đọc cuốn sách, tôi hoàn toàn bất ngờ vì những nhận xét đầy dí dỏm và hài hước của tác giả.
Cô ấy chỉ ở Việt Nam có 3 tuần và cảm nhận một Việt Nam rất khác biệt, khác tới mức những người Việt như chúng tôi phải tự nhìn lại mình thêm một lần nữa.
Những điều mình thấy hàng ngày, mình quen thuộc hàng ngày sao lại vẫn có sự thú vị riêng độc đáo và hay đến thế. Tôi đã có 3 năm sống ở Đức, nhưng để viết ra một cuốn sách cảm nhận về nước Đức thú vị thì tôi chưa làm được. Đằng này Juli chỉ có 3 tuần để cảm nhận và viết mà vẫn hay. Điều đó khẳng định tài năng của Juli”.
Còn ông Wilfried Eckstein- Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam thì cho rằng:
“Qua cuốn sách, độc giả Đức đã cảm nhận sự tự giễu cợt và tâm đắc trước những quan sát tinh tế và dễ thương của cuộc sống thường nhật tại Việt Nam. Từ những trang viết của Juli, họ càng thấy yêu quý con người nơi đây, họ ngưỡng mộ và trân trọng Việt Nam”.
Một điều khá thú vị, Xứ sở của những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa được in và phát hành tại Việt Nam từ ngày 14/11, trước khi bản gốc được xuất bản tại Đức.
Cuốn sách của Juli cũng sẽ mở màn cho việc xuất bản các tác phẩm văn học Đức tại Việt Nam do Viện Goethe Việt Nam thực hiện, trong đó tập sách Berlin Rules: Europe and the German Way sẽ là tác phẩm tiếp theo đến với bạn đọc Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thu Hạnh- Cán bộ Viện Goethe Việt Nam cho biết thì thông qua những tác phẩm văn học Đức, bạn đọc Việt Nam sẽ có cơ hội hiểu thêm về đất nước Đức, một đất nước có nền văn hóa phát triển lâu đời tại châu Âu.
Juli Zeh sinh ra tại Bonn (Đức). Cô tham gia trong nhiều lĩnh vực, là Tiến sỹ Luật, nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội.
Riêng về văn học, Juli được coi như đại diện cho thế hệ nhà văn trẻ tài năng sau khi nước Đức thống nhất. Năm 2001 cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Adler und Engel (Đại bàng và Thiên thần) của Juli đã gây tiếng vang, được bạn đọc đón nhận và đã được dịch ra 31 thứ tiếng. Năm 2002, Juli tạo dấu ấn tiếp theo khi xuất bản tập ký sự Stille ist Ein Gerausch (Sự im lặng là một tiếng động) viết về đất nước Bosnia thời hậu chiến với những con người châu Âu bị bỏ quên. Juli đoạt nhiều giải thưởng văn học như Giải sách Đức 2002, giải Thomas Mann 2013.
Nguồn: Tiền Phong
© 2024 | Thời báo ĐỨC