Những vị khách nước ngoài ngẫu hứng một điệu nhảy sau khi kết thúc chuyến đi buýt sông hai tầng (Saigon WaterGo) tại TP.HCM trong dịp lễ vừa qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dao động tỉ giá tác động đến quyết định của du khách Việt Nam và quốc tế, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ giữa du lịch trong nước và nước ngoài.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - giảng viên cao cấp ngành quản lý du lịch và khách sạn RMIT Việt Nam, thành viên Ủy ban Du lịch và Khách sạn EuroCham Việt Nam - chia sẻ cùng Tuổi Trẻ như trên. Từ bối cảnh đó, vẫn có những cơ hội tiềm năng để ngành du lịch phát triển mạnh trong bối cảnh tỉ giá không ổn định như hiện nay.
Các tiêu chí cần lưu ý
- Chi tiêu của khách du lịch: Ngoại tệ mạnh hơn làm tăng chi tiêu của khách du lịch nước ngoài, mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương và ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp liên quan đến du lịch.
Theo khảo sát Đo lường chi phí kỳ nghỉ toàn cầu năm 2024 của UK Post Office, Việt Nam (Hội An) là điểm đến hợp lý nhất đối với khách du lịch Anh, xếp trên Bali (8), Malaysia (11) và Thái Lan (12).
- Du lịch nội địa: VND yếu đi có thể khuyến khích khách du lịch Việt Nam khám phá các điểm đến trong nước, thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch địa phương. Ngược lại, VND mạnh hơn có thể khuyến khích người Việt đi du lịch nước ngoài, gây bất lợi cho du lịch nội địa.
- Lạm phát: Nếu xảy ra lạm phát, khách du lịch đến Việt Nam có thể phải chịu mức giá tăng cao, giảm bớt sự thu hút.
- Tính thời vụ: Sự biến động của tỉ giá có thể tác động đáng kể đến tính thời vụ của du lịch do ảnh hưởng đến khả năng chi trả chi phí đi lại của khách du lịch quốc tế.
Tỉ giá thuận lợi có thể thu hút nhiều khách du lịch hơn trong mùa thấp điểm, giúp cân bằng nhu cầu du lịch trong suốt cả năm.
Đối với khách du lịch nội địa, VND mạnh có thể thu hút nhiều du khách hơn trong mùa thấp điểm, VND yếu thì có thể cản trở khách du lịch trong mùa cao điểm do chi phí cao hơn.
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch và thu hút vốn nước ngoài: Tỉ giá biến động đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Sự biến động về giá trị tiền tệ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chi phí của dự án, vì những thay đổi về tỉ giá ảnh hưởng đến chi phí về vật liệu xây dựng, nhân công và chi phí vận hành.
Hơn nữa, tỉ giá lên xuống có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các điểm đến đối với những nhà đầu tư tiềm năng khi họ xem xét tính ổn định và lợi nhuận tiềm năng của khoản đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Làm gì khi tỉ giá không ổn định?
Tác động của biến động tỉ giá đối với nền kinh tế Việt Nam và ngành du lịch chủ yếu xoay quanh mối quan hệ du lịch qua lại song phương giữa Việt Nam và các nước khác, được gọi là hiệu ứng cặp đôi trong kinh tế du lịch. Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch từ quốc gia có đồng tiền mạnh hơn.
Cũng vậy, khi VND ổn định hơn các đồng tiền như baht Thái hay đồng ringgit của Malaysia, khách du lịch Việt sẽ muốn đến các quốc gia đó, dẫn đến tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam do nguồn tài chính chảy ra ngoài.
Việt Nam nên phát triển các chiến dịch tiếp thị du lịch hướng tới các quốc gia có mức chi tiêu cao và đồng tiền mạnh hơn như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu. Tương tự, vì lợi ích kinh tế, Việt Nam nên khuyến khích người Việt du lịch trong nước. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách giữ lạm phát liên quan đến du lịch ở mức vừa phải.
Ngoài ra, Chính phủ có thể thực hiện các chính sách ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững. Các doanh nghiệp trong ngành cũng cần hiểu rõ tác động của biến động tiền tệ và lạm phát đến hành vi của khách du lịch để giảm thiểu rủi ro và tận dụng các cơ hội.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC