Gia đình trẻ chần chừ không chịu sơ tán, may mắn kịp thoát nạn phút chót

"Tôi vừa ra khỏi nhà 30 phút, trên đồi Na Pung phát ra tiếng nổ lớn. Một khối lượng đất đá lớn đổ ập xuống, đánh sập toàn bộ ngôi nhà của gia đình", anh Sỹ bàng hoàng nhớ lại.

Ngày 24/9, chính quyền xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cùng bà con bản Vặn dọn dẹp, dựng lại ngôi nhà cấp 4 cho gia đình anh Lò Văn Sỹ (32 tuổi). Ngôi nhà của gia đình anh Sỹ đã bị hơn 100m3 đất đá từ đồi Na Pung "đánh" sập tối 23/9.

Khuôn mặt bần thần, anh Sỹ cho biết, mấy ngày qua ở bản Vặn trời mưa to, nước trên đồi đổ xuống ào ào.

Vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, gia đình được ban lãnh đạo thôn, xã vận động sơ tán đến nơi an toàn. Thời điểm đó, anh Sỹ đắn đo, bởi đồi Na Pung chưa bao giờ sạt lở nên cả gia đình 4 nhân khẩu vẫn chần chừ ở trong nhà.

1 Gia Dinh Tre Chan Chu Khong Chiu So Tan May Man Kip Thoat Nan Phut Chot

Ngôi nhà của gia đình anh Sỹ bị đất, đá làm sập tối 23/9 (Ảnh: Hữu Tuân).

"Chiều 23/9, mưa lớn hơn, lòng tôi như lửa đốt. Ban phòng, chống lụt bão của bản, xã liên tục đến thúc giục gia đình sơ tán. Lúc này tôi bảo vợ nấu cơm ăn. 16h ăn cơm xong, tôi gửi vợ và 2 con sang bên ngoại, cách nhà 200m", anh Sỹ kể.

Lo lắng đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, anh Sỹ quay lại nhà dọn dẹp, di chuyển đồ ra ngoài hiên. Đến 19h, anh ngừng vận chuyển đồ và đi sang nhà ngoại tránh trú.

"19h30, tôi nghe một tiếng nổ lớn, soi đèn thì thấy một khối lượng đất, đá khổng lồ trên đồi Na Pung đổ xuống, ập vào khiến ngôi nhà đổ sập hoàn toàn trong tích tắc", anh Sỹ bàng hoàng nhớ lại.

2 Gia Dinh Tre Chan Chu Khong Chiu So Tan May Man Kip Thoat Nan Phut Chot

Anh Sỹ kể lại giây phút quyết định sơ tán cả gia đình (Ảnh: Hữu Tuân).

Theo anh Sỹ, đến thời điểm này anh thấy quyết định sơ tán cả gia đình là đúng đắn. Anh gửi lời cảm ơn đến ban phòng, chống lụt bão của bản, xã đã cương quyết thúc giục, vận động gia đình anh đến nơi an toàn.

"Thực lòng, nếu cán bộ thôn, xã không cương quyết, tôi định sáng nay (24/9) mới đi sơ tán. Nếu ở liều đến hôm nay, cả gia đình 4 nhân khẩu đã bị vùi lấp rồi", anh Sỹ nói.

Vợ chồng anh Sỹ kết hôn năm 2011, có với nhau 2 mặt con. Nhiều năm liền, vợ chồng trẻ rời quê đi làm công nhân trồng, thu hoạch cà phê ở tỉnh Đắk Nông. Năm 2023, vợ chồng anh Sỹ về quê, mua đất ở chân đồi Na Pung và dựng một ngôi nhà rộng hơn 100m2, kinh phí 400 triệu đồng.

"Giờ nhà không còn, đồ đạc cũng hư hỏng nhiều nhưng may mắn 4 người vẫn an toàn. Như vậy là trời còn thương! Mất của thì có thể làm lại được, mất người như ở Làng Nủ (Lào Cai) thì thương xót lắm!", anh Sỹ bộc bạch.

Ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, cho biết, sau mưa lũ, trên địa bàn xuất hiện hơn 40 điểm sạt lở nhưng may mắn không thiệt hại về người.

3 Gia Dinh Tre Chan Chu Khong Chiu So Tan May Man Kip Thoat Nan Phut Chot

Chính quyền, người dân xã Yên Thắng hỗ trợ dựng lại nhà cho vợ chồng anh Sỹ (Ảnh: Hữu Tuân).

"Tôi hôm qua (23/9), gia đình anh Sỹ ở bản Vặn vừa đi sơ tán được 30 phút thì khối lượng đất, đá lớn trên đồi Na Pung sạt xuống. Quyết định di tản đúng thời điểm đã cứu sống cả gia đình 4 nhân khẩu", ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, bản Vặn có 339 hộ/1.600 nhân khẩu. Tại đây có 31 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nên ban phòng, chống lụt, bão bản, xã luôn túc trực, tuyên truyền, vận động bà con di dời đến nơi an toàn.

"Để giúp gia đình anh Sỹ ổn định cuộc sống, UBND xã Yên Thắng hỗ trợ anh một khoản tiền nhỏ; vận động các đoàn thể, bà con trong bản đóng góp ngày công, vật liệu làm nhà tạm cho gia đình", ông Tuân chia sẻ.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày