Dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội nối Cát Linh với Hà Đông dài 13 km lại bị lùi tiến độ, theo báo Việt Nam. Trong khi đó, mỗi ngày dự án phải trả lãi 1,2 tỷ đồng tiền vay của Trung Quốc, đưa số tiền trả lãi sau một năm đã là 396 tỷ đồng, sau ba năm đội lên tới 1296 tỷ đồng.
Ảnh: Internet
Nhưng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể đã phải "chấp thuận việc lùi tiến độ dự án này sang năm 2018" mà chưa có kế hoạch cụ thể tháng nào phải hoàn thành, theo báo Tiền Phong hôm 22/12/2017.
Báo Zing hồi tháng 9 cho hay công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đã hoàn thành 95% giá trị xây lắp nhưng vẫn cần kinh phí để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng"
Một loạt các con số không nhỏ
Tổng mức đầu tư đến hiện nay của dự án này là 891,92 triệu USD, tăng gần 40% so với mức đầu tư ban đầu chỉ là 552 triệu USD.
Trong số này 198 triệu USD đến từ ngân sách nhà nước Việt Nam, còn lại chủ yếu là vốn vay từ Trung Quốc, bằng 639,2 triệu USD.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Việc xây lắp, trang trí kiến trúc khu depot phải hoàn thành trước 31/3; phần lắp đặt thiết bị hoàn thành trước 31/7; đóng điện toàn tuyến trước 1/9; vận hành thử nghiệm vào 30/9, theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ Giao thông trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo báo Việt Nam, số lãi phải trả chưa tính vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách nhà nước để thi công dự án.
Nếu gia hạn thêm 11 tháng, số tiền lãi vay đã là 396 tỷ đồng; nếu tính dự án chậm trong ba năm, số tiền đội lên sẽ hơn một nghìn tỷ đồng.
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km bao gồm 12 nhà ga trên cao và khu depot ở quận Hà Đông.
Hồi tháng 9 năm nay, tin về việc chậm tiến độ tại tuyến đường sắt này được báo chí quốc tế quan tâm.
Báo chí trong nước trích thuật Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đầu tháng Hai năm nay đã đi kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan tới tuyến đường sắt này. Ông nói "ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, làm gia tăng ô nhiễm". Nguyên nhân chậm tiến độ khiến ảnh hưởng đến giảm ùn tắc giao thông Hà Nội được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là do "quản lý đầu tư bằng hình thức thầu trọn gói còn thiếu kinh nghiệm; giai đoạn đầu quản lý dự án còn rất hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội khó khăn; vốn đầu tư thay đổi..."
Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản viết rằng lẽ ra đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử vào cuối tháng 9/2017 nhưng nay "giới chức Việt Nam nói rằng các hạng mục thi công dự án này không thể tiếp tục cho đến khi Trung Quốc giải ngân khoản tiền trên vốn được cam kết từ năm ngoái".
Nikkei Asian Review cũng nhận định Hà Nội đang bị mắc kẹt với các dự án tưởng là 'rẻ' nhưng đội vốn và sự thèm khát vốn thúc đẩy một số nhà đầu tư trong nước phớt lờ quan ngại của công chúng để chọn các đối tác Trung Quốc.
Báo Zing cho hay công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đã hoàn thành 95% giá trị xây lắp nhưng vẫn cần kinh phí để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng"
Được biết trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhà ga Nguyễn Xiển chạy qua nút giao thông đường Nguyễn Trãi sẽ là nút giao bốn tầng đầu tiên ở Hà Nội, bao gồm đường sắt, cầu cạn, đường bộ và hầm chui.
Việc xây dựng và mở rộng tuyến đường này đã gây nhiều tranh cãi khi hàng trăm cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt bỏ dọc đường Nguyễn Trãi.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC