Đường sắt Cát Linh- Hà Đông- nói là khúc xương 13km không sai mảy may!

Một dự án đội từ 552 triệu USD lên 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ 10 năm. Đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỉ. Đang bị đòi thêm 50 triệu USD, giao tiền ngay. Chưa rõ ngày vận hành. Và biết chắc sẽ lỗ. Nó là gì nếu không phải là một khúc xương 13 km không thể nuốt!

 132 1 Duong Sat Cat Linh  Ha Dong  Noi La Khuc Xuong 13km Khong Sai May May

Đường sắt trên cao ở Etiopia dài 31,1km, vốn đầu tư chỉ 475 triệu USD và hoàn thành sau 38 tháng trong khi Cát Linh- Hà Đông dài 11km, vốn 868 triệu, đắt gấp 4 lần và chưa rõ ngày vận hành.

Bức ảnh là đường sắt trên cao ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia từng xuất hiện trên báo Lao Động trong một bài viết của Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai.

Dự án này cũng từ Trung Quốc, dài 31,1km, 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ , vốn đầu tư chỉ 475 triệu USD và hoàn thành sau 38 tháng.

Đại sứ Khai dẫn số liệu Bộ GTVT Ethiopia cho biết, chỉ trong 9 tháng dự án này hoạt động đã tạo ra 13.000 việc làm, lãi 3 triệu USD.

Cũng với tiêu chuẩn tương tự, công nghệ tương tự, nguồn vốn tương tự...Cát Linh- Hà Đông chỉ dài bằng 1/3, nhưng delay cả thập kỷ, vốn đầu tư 868 triệu, tính theo km thì gấp 4 lần.

Con số này khi ấy chưa kể 98,35 triệu USD mà Hà Nội sẽ phải bỏ ra để...vận hành. Chưa tính đến 50 triệu USD mà nhà thầu Trung Quốc vừa yêu cầu chúng ta tiếp tục phải chi.

Còn hiệu quả dự án, tháng 12 năm ngoái, Tổng thầu Trung Quốc cho biết dù chưa hoạt động, song toàn bộ các thiết bị điện trong nhà ga, đường ray phải chi phí với 100 triệu mỗi ngày. Chưa kể khoảng 50 tỉ tiền lương và các chi phí khác cho khoảng 2000 cán bộ Trung Quốc và Việt Nam đang làm dự án.

Chưa kể 14,5 tỉ mỗi năm để kích cầu giá vé.

Và, chưa hề tính khoản lãi mẹ lãi con phải trả mỗi năm lên tới hơn 600 tỉ đồng.

Ngoặc kép dưới đây là kết luận của Kiểm toán nhà nước: “Khi phân tích kinh tế, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án thiếu hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất khai thác hiệu quả...Cụ thể, lưu lượng hành khách do đơn vị tư vấn lập dự án giả định tính toán phân tích cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của Viện Chiến lược giao thông vận tải.

Kiểm toán kết luận như sau: Phân tích hiệu quả tài chính cho thấy tỉ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tại ròng âm. Tỉ số chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ.

Vâng. 552 triệu USD đã tăng lên 891,92 triệu USD (18.792 tỉ). Chậm tiến độ 10 năm. Đang phải trả lãi mối năm 650 tỉ. Đang bị đòi 50 triệu USD, giao tiền ngay. Và biết chắc sẽ lỗ, cứ chạy là lỗ.

Bi kịch của Cát Linh- Hà Đông, vì thế, không chỉ là không biết khi nào mới xong; không biết với hồ sơ an toàn thế này thì ai dám cho nó chạy. Mà còn là chuyện ngân sách của chúng ta sẽ phải bù lỗ, cũng còn chưa tính sẽ là bao nhiêu mỗi năm nữa.

Nói đó là khúc xương 13km không sai mảy may.

ANH ĐÀO

Nguồn: laodong.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày