Nhu cầu gửi con đến các chương trình học kỹ năng sống như học kỳ quân đội, các hoạt động trải nghiệm vào dịp hè của phụ huynh ở TPHCM rất cao dẫn đến tình trạng không ít trung tâm phải… từ chối nhận người học.
“Cậy” vào các lớp học kỹ năng
Đầu hè, rất nhiều phụ huynh ở TPHCM tất tả tìm đến các chương trình kỹ năng sống (KNS) , các chương trình học kỳ quân đội để gửi con đi huấn luyện. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã phải “đặt chỗ” trước hè hàng tháng trời mới tìm được một suất ở các khóa đào tạo KNS cho con.
Cho con đi học các chương trình kỹ năng sống là lựa chọn của rất nhiều phụ huynh ở thành phố trong dịp hè (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Anh Trần Đại Minh, ở Gò Vấp bộc bạch, cho con đi huấn luyện ở chương trình KNS dịp hè là lựa chọn hàng đầu của vợ chồng anh cho cậu con trai học lớp 7. Anh lý giải con mình rất “tồ”, lớn rồi mà cái gì cũng không biết, nhút nhát nên mong cháu có môi trường để thay đổi sao cho mạnh dạn hơn.
“Vợ chồng đi làm cũng không có thời gian để trông cháu trong dịp hè nên gửi con đi vẹn cả đôi đường. Chứ ở nhà cháu toàn chơi game, đi ra đi vào trong khu phố, tôi sợ cháu bạn bè xấu rủ rê”, anh Minh nói.
Năm ngoái, anh chậm chân tìm lớp cho cháu nên bị bỏ lỡ các chương trình KNS mà anh đánh giá là phù hợp với con mình diễn ra vào tháng 6. Năm nay, rút kinh nghiệm, từ cuối tháng 3, hai vợ chồng đã liên hệ tìm lớp cho con. Tháng 6 cháu tham giao một khóa và sang tháng 7 thêm một khóa nữa.
Cũng như anh Minh, rất nhiều gia đình ở thành phố “cậy” vào các chương trình KNS để rèn luyện cho con dịp hè. Không chỉ phụ huynh TPHCM mà phụ huynh ở các tỉnh khác như Gia Lai, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Ninh Thuận… cũng đổ về đây cho con tham gia học kỹ năng tại các trung tâm. Nếu vài năm trước là cảnh trẻ chen chúc đi học hè thì giờ… chuyển dịch sang đi học kỹ năng.
Đừng mong chờ đi học kỹ năng để có kỹ năng?
Trước thời điểm nghỉ hè, nhiều trung tâm, công ty đào tạo KNS ở TPHCM liên tục giới thiệu các khóa học, chương trình đến phụ huynh. Tuy nhiên, trước nhu cầu của phụ huynh, nhiều nơi đã sớm thông báo… hết chỗ hoặc người học phải chờ vào khóa học sau.
Từ giữa tháng 4, Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á – Thái Bình Dương (ATY) đã thông báo hai khóa đầu tiên của mùa hè ngừng nhận học viên. Sang tháng 5, một số khóa học khác cũng đã kín chỗ, người học buộc phải chờ chương trình sau.
Năm nay, Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam tổ chức 5 chương trình học kỳ quân đội và 3 Trại hè lịch sử. Tùy lứa tuổi tham gia, địa điểm và thời gian tổ chức mà mức phí dao động từ 4,2 - 7,9 triệu đồng.
Học trò đi trên mảnh chai trong một chương trình về kỹ năng sống (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Đại diện trung tâm cho biết, ngoài những nội dung quen thuộc thì trung tâm đưa vào nhiều nội dung như học các thế võ tự vệ, cách xử lý các tình huống khẩn cấp, sinh tồn, cách cứu người bị đuối nước.
Đặc biệt, bên cạnh rèn luyện kỹ năng, trung tâm tập trung nhiều vào nội dung trau dồi các giá trị sống, bồi đắp tâm hồn cho các em về tình yêu gia đình, bạn bè, yêu quý bản thân – một mảng đang rất thiếu hụt hiện nay.
Đơn vị này chỉ tổ chức chương trình và nhận số lượng học viên có hạn nên gần như năm nào cũng có cảnh nhiều phụ huynh muốn đăng ký cho con theo học nhưng không được.
Một một lãnh đạo tại một trung tâm có trụ sở ở Q.3, nhu cầu cho con tham gia đào tạo KNS hiện nay rất lớn trước thực tế con trẻ đang bị thiếu hụt các kỹ năng trầm trọng.
Trong khi phụ huynh có điều kiện kinh tế nhưng thiếu thời gian, gặp khó khăn trong việc trau dồi kỹ năng cho trẻ. Còn các trung tâm KNS trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu này về chất lượng lẫn số lượng.
ThS tâm lý Ngô Minh Uy cho hay những chương trình đang thịnh hành như Học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, trại hè chiến sĩ công an nhân dân và nhiều chương trình khác được tổ chức bởi các cơ quan đoàn thể và các trường học dường như đang đánh rất trúng nhu cầu của… phụ huynh.
Những hoạt động, trò chơi được các chương trình KNS xây dựng, theo ông Uy chỉ mang tính trải nghiệm chứ không thể giúp học sinh rèn kỹ năng. Bởi bất cứ kỹ năng nào cũng cần có thời gian rèn luyện và thực hành liên tục. Việc cha mẹ mong chờ 1 hoặc 2 tuần học KNS, đứa trẻ sẽ trở thành một con người khác như mình mong muốn là điều hoàn toàn xa vời.
ThS Ngô Minh Uy cũng bày tỏ quan điểm mùa hè cho trẻ về thăm ông bà nội ngoại và sống ở đó có khi còn tốt hơn các chương trình huấn luyện kỹ năng.
Theo Dân Trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC