Truớc những lời quảng cáo "có cánh" tràn lan trên các trang mạng xã hội, không ít người tiêu dùng đang đổ xô mua sản phẩm thực phẩm chức năng là hàng xách tay.
Tuy nhiên, những mặt hàng dạng này không có hóa đơn, chứng từ, chất lượng chưa được kiểm nghiệm, giá cả có thể ở mức trên trời... Người tiêu dùng bỏ tiền mua bởi tin là hàng "xịn". Liệu họ có đặt niềm tin nhầm chỗ?
Ma trận hàng xách tay
Được người bạn giới thiệu một loại tảo tăng trưởng chiều cao của Nhật Bản, giúp trẻ tăng từ 3cm đến 8cm/tháng, chị H (quận Hoàn Kiếm) “sôi sục” lên mạng tìm hiểu. Tại một trang facebook chuyên cung cấp thực phẩm chức năng (TPCN) xách tay từ các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đăng tải:
“Tảo tăng chiều cao với thành phần chính là tảo xanh sống trong đại dương, có đầy đủ chất không thể thiếu trong quá trình phát triển xương như vitamin, khoáng chất, collagen, protein… cần thiết kích thích hocmone tăng trưởng giúp bé cao lớn mỗi ngày… giá 750.000 đồng/hộp. Nếu mua 4 hộp, giá chỉ còn 600.000 đồng/hộp”.
Càng tìm hiểu, chị H càng như lạc vào ma trận. Riêng hàng Nhật Bản cũng có đến mấy sản phẩm tăng chiều cao. Loại GH creation đang được nhiều phụ huynh quan tâm, có giá bán 2,1-2,4 triệu đồng/hộp, liệu trình tối thiểu 3 hộp/đợt sử dụng, có thể tăng chiều cao 10cm-20cm.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác được giới thiệu mang về từ Mỹ, Đức... giá tiền triệu trở lên. Điểm khác nhau trong các quảng cáo này là sự chênh lệch về chiều cao đạt được khi dùng sản phẩm, nếu khiêm tốn cũng sẽ cao thêm 3cm-5cm, trung bình là 5cm-10cm và "thần thánh" hơn, sẽ cao trên 15cm...
Những sản phẩm này có số lượng người truy cập tìm hiểu khá nhiều.
Một dòng TPCN khác cũng được nhiều người săn tìm là sản phẩm hỗ trợ sinh sản và các nội tiết tố chống lão hóa ở phụ nữ. Nắm bắt tâm lý “sính” hàng ngoại ở một bộ phận người tiêu dùng, người bán hàng liên tục quảng cáo sản phẩm của các hãng danh tiếng như Black More, Nature Made, Healthy Care…
Những sản phẩm làm đẹp như kéo dài tuổi xuân, trị mụn, trị nám... cũng "lên ngôi" với những bài quảng cáo chuyên nghiệp khiến nhiều chị em sẵn sàng mở ví bất cứ lúc nào...
Để tăng độ tin cậy, người bán thường khéo léo khẳng định các mối hàng đều do người nhà đang sống, học tập, công tác ở nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, sản phẩm có thực sự của các hãng dược nổi tiếng, thành phần, tác dụng có như quảng cáo không vẫn là điều khó kiểm chứng...
Bên cạnh nỗi lo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thì giá của loại hàng hóa này cũng rất nhiễu loạn. Cùng một loại vitamin E của Mỹ nhưng có nơi chào bán 650.000 đồng/lọ 500 viên, có nơi chỉ 450.000 đồng.
Giá tinh chất mầm đậu nành của Mỹ dao động từ 300.000 đồng đến 450.000 đồng/lọ. Omega 369 của Đức, giá dao động từ 225.000 đồng/hộp đến 400.000 đồng/hộp...
Trong khi người bán giá thấp cho rằng họ "đề cao tinh thần phục vụ, giúp đỡ, giới thiệu để mọi người được chăm sóc sức khỏe tốt nhất với sản phẩm tốt nhất mà giá cả phải chăng" thì người bán giá cao lại tự nhận "giá đắt vì hàng chuẩn, hàng xịn".
Ngoài vòng kiểm soát (?)
Theo quy định về quản lý TPCN tại Thông tư 43/2014/TT-BYT, TPCN chia làm 4 loại:
Thực phẩm bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin…; thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa một hoặc hỗn hợp vitamin, enzym, probiotic và hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, thực vật; thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Các sản phẩm này dù nhập khẩu từ nước ngoài hay sản xuất trong nước đều phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Để được phân phối TPCN nhập khẩu, cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, yêu cầu ghi nhãn mác hàng hóa đối với TPCN cũng chặt chẽ, phải bằng tiếng Việt với các thông tin về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, đơn vị nhập khẩu và phân phối… Phải ghi rõ khuyến cáo “Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định:
TPCN xách tay chưa qua cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, kiểm soát, chứng nhận hợp quy là nguồn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Khi bị phát hiện, ngoài việc xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì còn buộc phải thu hồi, tiêu hủy.
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, việc quảng cáo và bán TPCN xách tay trên trang facebook cá nhân khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Nếu các công ty sản xuất kinh doanh, các nhà thuốc có địa chỉ cụ thể bán TPCN... thì rất dễ kiểm tra.
Còn việc tìm đủ căn cứ để chứng minh chủ tài khoản facebook thực hiện buôn bán TPCN xách tay không hề đơn giản.
Nhiều người viện lý do để chối bỏ trách nhiệm như: Chỉ đăng thông tin đơn thuần, bị tạo lập trang cá nhân giả...
Chẳng hạn, cuối năm 2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phải phối hợp với công an và lực lượng chức năng đóng giả người mua hàng, hẹn người bán tại một địa điểm để bắt quả tang thì mới có căn cứ để xử lý. Vì thế, số vụ xử lý người kinh doanh TPCN xách tay qua mạng chưa được nhiều.
Hoạt động kinh doanh các loại TPCN xách tay không tuân thủ các quy định pháp luật gây thất thu nguồn thuế lớn, có nguy cơ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro với người sử dụng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu sớm có giải pháp kiểm soát, quản lý hiệu quả hơn nữa mà mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng.
Trung Dũng/ Hà Nội Mới
© 2024 | Thời báo ĐỨC