Bệnh viện Bạch Mai đã đóng cửa từ ngày 28-3 - Ảnh: TRẦN NAM
Chiều 29-3, Bộ Y tế đã có buổi họp trực tuyến với các tỉnh thành, đánh giá tình hình quản lý, giám sát nguồn bệnh từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
Lý do, những ngày vừa qua riêng Hà Nội đã có gần 1.600 bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai ra viện (tính từ 10-3), các tỉnh thành khác có 500-800 bệnh nhân/tỉnh thành, chưa kể số lượng người nhà cũng rất lớn và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch nhỏ từ nguồn ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, như cảnh báo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo ông Dương Đức Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - tại bệnh viện hiện còn 793 bệnh nhân, trong số này có 353 người có thể ra viện, 137 người có khả năng chuyển tuyến, 198 người không thể ra viện nếu không có phương tiện hỗ trợ, nhưng tất cả số này cần nhân viên y tế chăm sóc.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 28-3, toàn bộ nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đang ở nhà đều thuộc diện cách ly y tế, không thể đến bệnh viện làm việc, trong khi số đang ở bệnh viện đã hết ca trực.
Ngay cả ông Ngô Quý Châu, quyền chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cũng đang bị cách ly, không thể tham dự cuộc họp trực tuyến chống dịch.
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng nếu tiếp tục cách ly nhân viên y tế thì không có người chăm sóc bệnh nhân đang còn điều trị trong bệnh viện, Bộ Y tế cần đề nghị Hà Nội cho phép cán bộ y tế đi làm do các mẫu xét nghiệm nhanh đến nay chưa có nhân viên y tế nào nhiễm bệnh, và nhân viên y tế đến bệnh viện sẽ ở lại bệnh viện luôn không quay lại nhà.
Tuy nhiên điều lo lắng là số bệnh nhân, người nhà ra viện từ 10-3 - thời điểm có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai - đã tỏa về các địa phương. Trong số này, Hà Nội có gần 1.600 người bệnh, TP Hải Phòng có trên 500 người, Quảng Ninh có trên 820 người, Phú Thọ có trên 830 người...
Hiện đã có địa phương cách ly và quản lý được 100% số người có nguy cơ này, nhưng có nơi thì chưa tìm và cách ly được hết, trong đó Hà Nội còn trên 300 người, Phú Thọ đã giao xã phường giám sát tại nhà nhưng ngày 30-3 mới tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Tỉnh Hà Tĩnh đang gặp khó khăn là các khu cách ly tập trung đã đầy, trong khi Bộ Y tế yêu cầu người tiếp xúc trực tiếp với nhân viên nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai (nơi đã ghi nhận 7 bệnh nhân) và tiếp xúc với bệnh nhân dương tính đều phải cách ly tập trung.
Để giải quyết lo lắng của địa phương, Bộ Y tế cho biết cần quản lý thật nhanh nhân viên nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai do đã có 7 bệnh nhân ở đây, có thể có thêm trong những ngày tới. Người cách ly tại nhà phải tải app hướng dẫn cách ly tại nhà để biết các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết đã có 100.000 test xét nghiệm, các địa phương có nhu cầu báo ngay về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để được gửi test, tháng 4 sẽ có 100.000 test nữa, cùng với 20 máy Realtime PCR cho các địa phương, các phòng xét nghiệm có năng lực có thể đăng lý với Viện khu vực để đánh giá năng lực và cấp phép.
Hiện ở Việt Nam đã có 24 phòng xét nghiệm có quyền khẳng định ca dương tính.
Số tỉnh thành còn lại có thể xét nghiệm và gửi cho 24 phòng này các mẫu xét nghiệm dương tính để khẳng định.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nhập 200.000 test xét nghiệm nhanh để ưu tiên xét nghiệm tại các khu cách ly tập trung (hiện có 37.000 người), người cách ly tại nhà, người từ Bệnh viện Bạch Mai về các địa phương.
Test xét nghiệm nhanh có hiệu quả sau 7 ngày tính từ khi tiếp xúc với người bệnh/mầm bệnh.
"Ta không thiếu sinh phẩm chẩn đoán, vì vậy cần mở rộng xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và điều trị. Đây là chiến lược mới của chúng ta trong giai đoạn hiện nay" - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC