Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mùa đông xuân là mùa nồm ẩm, khí hậu lạnh nên rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus đường hô hấp phát triển. Hàng năm, các bệnh liên quan đến virus đường hô hấp như cúm mùa, cúm gia cầm, sởi, rubela, thủy đậu,... bùng phát rất mạnh.
“Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng lây qua đường hô hấp. Theo nguyên lý chung, điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao của mùa đông nước ta vô cùng thuận lợi cho virus này bùng phát”, TS Điền nhấn mạnh.
Hơn nữa, so với các chủng virus khác, SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều lần, trung bình 1 người mang bệnh lây cho 2-3 người tiếp xúc gần. Khi sang mùa đông, khí hậu lạnh cũng khiến virus tồn tại trong môi trường lâu hơn. Nếu không giữ đủ ấm, sức đề kháng của người dân dễ yếu hơn, là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh xâm nhập.
“Những lý do trên dễ khiến dịch bệnh bùng phát mạnh hơn vào mùa đông, bởi vậy người dân không nên chủ quan”, bác sĩ Điền cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh có thể khốc liệt hơn vào giai đoạn tới. Theo PGS Nga, nguyên lý điều kiện thời tiết lạnh khiến virus tồn lại trong môi trường, không khí lâu hơn, khả năng lây lan cao hơn có ở rất nhiều bệnh cúm khác, không chỉ riêng Covid-19.
Bên cạnh đó, vào mùa đông, số bệnh nhân tới khám do các bệnh virus đường hô hấp thường tăng. Điều này khiến ngành y tế vất vả hơn trong việc phân loại, cách ly, phân luồng để không bỏ sót người mang mầm bệnh Covid-19.
“Năng lực kiểm soát dịch bệnh và điều trị của chúng ta không là vô hạn, bởi vậy nếu để dịch bùng phát, tình hình sẽ rất khó khăn”, PGS Nga nhấn mạnh.
Virus SARS-CoV-2 - Hình minh họa
Ngoài điều kiện khí hậu, các chuyên gia thông tin, lý do lớn khác là tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập nước ta luôn hiện hữu.
“Nước Mỹ và các nước ở châu Âu, châu Á đang tái bùng phát làn sóng mới về Covid-19. Trong khi đó, nước ta hiện vẫn có các chuyến bay đưa chuyên gia nước ngoài hoặc công dân Việt từ nước ngoài nhập cảnh, là điều kiện khiến dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam”, TS.BS Vũ Minh Điền cho hay.
Để đối phó với dịch bệnh trước nguy cơ bùng phát cao, theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, các địa phương phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc truyền thông cho người dân. Tất cả các trường hợp được phép nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly nghiêm và lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định. Các cơ sở được chỉ định làm nơi cách ly cần được thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm túc.
Đối với người dân, ông Tấn khuyến cáo nên thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Trong đó, cần thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng, các bến xe, siêu thị, hạn chế tụ tập nơi đông người, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân…
Theo Vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC