ĐH Luật Hà Nội nên công khai chương trình đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt

Đào tạo và cấp bằng TS trong thời gian chỉ 27 tháng, ĐH Luật Hà Nội nên công khai chương trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt. Nhiều trường chưa có trường hợp nào cử nhân hệ vừa làm vừa học xét tuyển trình độ tiến sĩ

1 Dh Luat Ha Noi Nen Cong Khai Chuong Trinh Dao Tao Tien Si Cua Ong Vuong Tan Viet

Việc ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) lấy bằng tiến sĩ trong 27 tháng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vừa qua, Trường Đại học Luật Hà Nội gửi thông cáo báo chí về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang). Theo đó, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh, ông tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội. Năm 2019, ông tốt nghiệp đại học ngành Luật Trường Đại học Luật Hà Nội (hệ văn bằng thứ 2 – vừa làm vừa học).

Về quá trình học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2017, học viên Vương Tấn Việt trúng tuyển Văn bằng 2 Khoá 1 trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 1/2019, ông được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật văn bằng thứ 2 – Vừa làm vừa học theo Quyết định số 140/QĐ-ĐHLHN ngày 15/01/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi.

Ngày 26/11/2019, ông trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26/11/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp - Hành chính.

Ngày 09/12/2021, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo quy định về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội thời điểm năm 2019: Thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 03 năm tập trung. Thời gian đào tạo đối với người có bằng đại học là 04 năm tập trung liên tục. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được gia hạn thời gian đào tạo hoặc rút ngắn thời gian đào tạo so với thời gian đào tạo. [1]

Như vậy, thời gian từ lúc ông Vương Tấn Việt được công nhận nghiên cứu sinh (tháng 12/2019) đến lúc được bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 3/2022 tương đương 2 năm 3 tháng (27 tháng). Điều này khiến dư luận đặt ra những băn khoăn bằng cách nào mà học viên này lấy bằng tiến sĩ chỉ hơn 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học.

Ông Vương Tấn Việt chỉ mất 2 năm 3 tháng để lấy được bằng tiến sĩ "là trường hợp hiếm”

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra câu hỏi: “Có bao nhiêu người chỉ làm nghiên cứu sinh trong vòng hơn 2 năm như ông Vương Tấn Việt?”; Trường Đại học Luật nên công khai chương trình chi tiết đào tạo tiến sĩ 27 tháng của ông Vương Tấn Việt để các trường có thể tham khảo!

2 Dh Luat Ha Noi Nen Cong Khai Chuong Trinh Dao Tao Tien Si Cua Ong Vuong Tan Viet

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phạm Minh.

Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng chia sẻ thêm, ông Vương Tấn Việt hoàn tất việc học và hoàn tất luận án để bảo vệ chỉ trong vòng 27 tháng, trong khi đó, người này lại không phải dành thời gian toàn thời gian để học tập trung (theo quy định) và làm nghiên cứu sinh mà còn vướng bận các công việc khác ở chùa. Bên cạnh đó, trong trường hợp học từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ, học viên phải học các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc ngành hoặc chuyên ngành tương ứng.

Như vậy, nếu tổng thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ là hơn 2 năm thì học viên cũng cần đến ít nhất hơn 1 năm để học bù phần còn thiếu của chương trình thạc sĩ (do không phải học ngoại ngữ và làm luận văn thạc sỹ); như vậy chỉ còn khoảng 1 năm phải học chương trình tiến sĩ và làm các nghiên cứu, viết các chuyên đề luận án và các bài báo liên quan đến luận án. Tuy nhiên, để làm được điều này ngay nghiên cứu sinh làm toàn thời gian cũng là một thử thách cực kỳ khó bởi khối lượng kiến thức, nghiên cứu rất khổng lồ.

“Nếu một người hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong vòng 3 năm là đã quá nhanh rồi”, chuyên gia nhận định.

Về hình thức tổ chức đào tạo theo quy định của Trường Đại học Luật Hà Nội, việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, trong đó nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, trong thời gian ông Vương Tấn Việt làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Luật Hà Nội có giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, xã hội bị giãn cách, đi lại cực kỳ khó khăn, vậy làm thế nào mà ông Việt hoàn thành chương trình học và lấy bằng tiến sĩ “thần tốc” như vậy?

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, những vấn đề về việc công bố bài báo có phù hợp với quy định về thời gian và nội dung phải gắn với các chuyên đề nghiên cứu để đảm bảo điều kiện được bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Việt cũng cần được làm sáng tỏ.

"Hơn nữa, tôi có xem được đoạn video được chia sẻ trên các nền tảng, phương tiện truyền thông đại chúng với nội dung Thư ký của Hội đồng bảo vệ luận án đọc lý lịch khoa học trước Hội đồng có nói ông Vương Tấn Việt có bằng thạc sĩ, nhưng trong thông cáo của nhà trường lại nói ông Việt chưa có bằng thạc sĩ mà phải học chương trình thạc sĩ đến 43 tín chỉ (do không tính các học phần ngoại ngữ và luận văn thạc sĩ). Điều này cũng gây nhiều băn khoăn và Trường Đại học Luật Hà Nội nên thông tin rõ nội dung bất nhất này.

Tóm lại, về điều kiện để nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt được bảo vệ luận án tiến sĩ, hình thức và chất lượng luận án với thời hạn 27 tháng cần được làm rõ", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị.

Cùng trao đổi với phóng viên, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục đại học nhận định, theo quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian để hoàn thành chương trình tiến sĩ là từ 3 - 4 năm, tùy thuộc học viên có bằng thạc sĩ hay học chuyển tiếp từ bậc cử nhân. Nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa là 3 năm. Ông Vương Tấn Việt chỉ mất 2 năm 3 tháng để lấy được bằng tiến sĩ "là trường hợp hiếm”.

“Mỗi trường sẽ ban hành quy chế tuyển sinh riêng, nhưng vẫn phải đảm bảo trong khuôn khổ của quy chế chung. Theo tôi thấy, đa số các trường cũng đều quy định thời gian đào tạo tiến sĩ là từ 3-4 năm.

Theo quy chế tuyển sinh thời điểm năm 2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 03 năm tập trung; thời gian đào tạo đối với người có bằng đại học là 04 năm tập trung liên tục. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được gia hạn thời gian đào tạo hoặc rút ngắn thời gian đào tạo so với thời gian đào tạo. Nhưng để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình từ 4 năm (đối với người có bằng cử nhân) xuống còn hơn 2 năm như ông Việt thì khó hiểu, gây băn khoăn cho dư luận”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, rất hiếm trường hợp cử nhân hệ tại chức có thể học thẳng lên tiến sĩ và lấy bằng trong thời gian “thần tốc” như ông Vương Tấn Việt.

“Quy định cho phép nghiên cứu sinh có thể rút ngắn thời gian đào tạo nhưng thực tế rất khó để thực hiện được điều đó. Tôi chưa thấy trường hợp tốt nghiệp sớm đến tận 2 năm. Tôi mất hơn 5 năm để có thể hoàn thành chương trình và có được bằng tiến sĩ.

Ngoài ra, cũng ít trường hợp học thẳng từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ vì làm nghiên cứu sinh rất vất vả, đòi hỏi cả quá trình và năng lực. Bởi vì ngoài việc học, nghiên cứu, còn phải tự khảo sát và rất nhiều công việc khác nữa mới có thể hoàn thành được chương trình. Để thực sự học tập, nghiên cứu có chất lượng cần thời gian dài, còn lấy bằng “thần tốc” như vậy thì cần phải xem xét lại”, vị này nhấn mạnh.

Nhiều trường chưa có trường hợp nào cử nhân hệ vừa làm vừa học xét tuyển trình độ tiến sĩ

Để hiểu rõ hơn về quy trình tuyển sinh cũng như chương trình đào tạo bậc tiến sĩ, phóng viên cũng đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và sau đại học của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vị tiến sĩ này cho biết, tại thời điểm ông Vương Tấn Việt học tiến sĩ, điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ được quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Theo đó, người dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ; Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển; Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ; Người dự tuyển là công dân nước ngoài phải có trình độ tiếng Việt tối thiểu từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định cụ thể của cơ sở đào tạo; Đạt đủ điều kiện về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu cụ thể của từng ngành dự tuyển do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định.

Tại thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ của trường đại học này, đối tượng dự tuyển là người đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp.

Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và sau đại học cũng chia sẻ thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp học thẳng lên tiến sĩ. Tuy nhiên, tại đơn vị tiến sĩ quản lý, những trường hợp sinh viên tốt nghiệp chuyển tiếp học thẳng lên trình độ tiến sĩ là không nhiều.

Theo quy định, nhà trường nhận hồ sơ tất cả những đối tượng phù hợp theo thông báo tuyển sinh của trường, theo đúng quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo. Việc xét tuyển do tiểu ban chuyên môn của hội đồng tuyển sinh thực hiện, theo các tiêu chí đã công bố trong thông báo tuyển sinh bao gồm: Kết quả học tập của người dự tuyển ở bậc đại học và thạc sĩ, đề cương nghiên cứu, kinh nghiệm nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu của người dự tuyển. Đến nay, nhà trường chưa có trường hợp nào cử nhân hệ vừa làm vừa học xét tuyển trình độ tiến sĩ.

Về chương trình đào tạo, vị này cho hay, đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ thì chương trình đào tạo được thiết kế gồm 2 phần: Các học phần trình độ thạc sĩ và các phần phần trình độ tiến sĩ. Các học phần trình độ thạc sĩ có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ. Thông thường, các nghiên cứu sinh sẽ sẽ mất khoảng 1 năm để hoàn thành số tín chỉ này theo quy định.

“Thời gian đào tạo tiến sĩ đối với người đã tốt nghiệp thạc sĩ tối thiểu là 3 năm và đối với người đã tốt nghiệp đại học là 4 năm. Khi muốn rút ngắn thời gian học tập, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quyết định của nhà trường thì nghiên cứu sinh tốt nghiệp sớm không quá 1 năm. Chẳng hạn, với nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ thì có thể tốt nghiệp sau 2 năm, còn nghiên cứu sinh chuyển tiếp từ cử nhân thì tốt nghiệp tối thiểu sau 3 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có trường hợp nghiên cứu sinh nào tại trường tôi tốt nghiệp sau 2 năm”, vị cán bộ thông tin.

Thời gian tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: (1) Sự chuẩn bị của nghiên cứu sinh trước khi xét tuyển và năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; (2) Mức độ tập trung học tập và thực hiện đề tài luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh cũng như sự hỗ trợ của tập thể hướng dẫn; (3) Chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo do cơ sở giáo dục quy định.

Vị tiến sĩ nêu ví dụ, có những người chuẩn bị rất kỹ và đã tiến hành nghiên cứu cơ bản đề tài trước khi xét tuyển và nghiên cứu sinh có năng lực nghiên cứu rất tốt nên thực hiện nhanh hơn. Còn có những người chưa có sự chuẩn bị chu đáo và chưa có nghiên cứu nhiều, sâu về những vấn đề liên quan đến đề tài trước khi xét tuyển sẽ thực hiện chậm hơn.

Về chuẩn đầu ra, ngoài các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trường đại học còn xây dựng chuẩn tối thiểu phải có 1 bài quốc tế thuộc ISI/Scopus mới được bảo vệ luận án.

Theo chia sẻ của cán bộ, lãnh đạo của một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị tuyển sinh tiến sĩ chủ yếu từ những học viên đã hoàn thành chương trình thạc sĩ học tiếp lên.

"Hiện tại ở đơn vị tôi quản lý không có trường hợp nào học thẳng lên tiến sĩ sau khi có bằng cử nhân loại giỏi. Với trình độ của một cử nhân thì không phải dễ dàng để trở thành nghiên cứu sinh, rất vất vả mới có thể hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ chứ chưa nói tới chuyện lấy bằng tiến sĩ trong thời gian ngắn", một vị lãnh đạo cho biết.

Nguồn: Báo Giáo dục 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày