Đến Việt Nam không có gì chơi

Đến Việt Nam không có gì chơi. Đó là nguyên nhân khiến du khách không muốn quay trở lại Việt Nam lần hai.

Quên sản phẩm ban đêm

Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch.

Đây đều là những thứ hạng rất cao, chứng tỏ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tự nhiên để có thể phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, cũng như vươn ra thị trường thế giới. Nhưng đáng buồn là chúng ta chưa biết cách khai thác, đang bỏ phí rất nhiều tiềm năng.

Bằng chứng là về hạ tầng dịch vụ du lịch, Việt Nam chỉ xếp thứ 113. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến Việt Nam dù mới lập kỷ lục đón hơn 13 triệu khách quốc tế nhưng chỉ chưa đầy 10% khách quay lại.

Việc thiếu trầm trọng các dịch vụ du lịch không chỉ không giữ được chân du khách mà còn khiến chi tiêu của khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng giảm.

Đến Việt Nam không có gì chơi - 0

Khách không quay lại Việt Nam vì không có gì chơi- ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Vấn đề đặt ra, tại sao bao nhiêu năm vẫn chỉ có Pattaya với biển và hàng rong, Sentosa với mấy trò chơi ở Universal Studio nhưng du khách vẫn quay lại Thái Lan, Singapore rất nhiều lần, thậm trí có nhiều người vài tháng lại sang Thái Lan chơi một lần?

PGS-TS Phạm Trung Lương lý giải vì khách đến Thái Lan đạt được mục đích rõ ràng là giải trí, đến Singapore thỏa mãn nhu cầu mua sắm.

Trong khi với Việt Nam, họ không biết đến để làm gì. Cảnh đẹp Việt Nam nhiều, nhưng đến chỉ ngắm thôi thì không ai quay lại lần hai. Dịch vụ nghèo nàn khiến khách không có gì chơi, không có gì để tiêu tiền.

Chưa kể tình trạng chặt chém, điểm đến nhếch nhác, mất vệ sinh khiến du khách, đặc biệt khách từ các nước phát triển sợ và “cạch đến già”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel chỉ rõ Việt Nam đang đầu tư hoàn toàn vào những sản phẩm ban ngày, khung giờ từ 7 giờ sáng đến 20 giờ tối mà quên mất rằng sản phẩm về đêm mới chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”. Ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... tất cả các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đều diễn ra ban ngày.

"Các điểm dịch vụ du lịch buổi tối được bao nhiêu? Đi bao lâu là hết?", ông Kỳ đặt vấn đề và phân tích buổi tối là thời gian để khách trải nghiệm văn hóa địa phương, văn hóa cộng đồng nhưng lại không có không gian nào để đáp ứng nhu cầu ăn, chơi của khách. Chưa nói đến ở các địa phương khác, sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu hơn nhiều. “Điểm đến không đủ hấp dẫn, không thỏa mãn được nhu cầu thì khách không quay lại. Khách không quay lại đồng nghĩa với chiến dịch quảng quá du lịch qua chính khách du lịch cũng thất bại”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Phát triển sản phẩm đường phố

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Việt Nam có rất nhiều dạng sản phẩm du lịch có tiềm năng để phát triển. Nhưng đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách phải có nghiên cứu rõ ràng thực sự Việt Nam muốn bán cho khách loại sản phẩm nào, đâu là “sản phẩm đinh” để giữ chân khách. Cần định vị lại sản phẩm, định dạng lại hệ thống dịch vụ để đề ra định hướng ưu tiên phát triển một cách đúng đắn.

Ông Kỳ đề xuất, trước mắt nên tập trung phát triển các sản phẩm đường phố, món ăn đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố... mà qua đó khách du lịch có thể cảm nhận được văn hóa, truyền thống, nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đây là những sản phẩm có sức hút mà người dân địa phương có thể tự đầu tư, Chính phủ chỉ cần tạo hành lang, khung chính sách phù hợp.

“Chi phí đầu tư để lôi kéo một khách mới gấp 5 lần chi phí để kéo một khách quay trở lại. Hơn nữa, đây là một kênh quảng bá miễn phí và vô cùng hiệu quả. Giữ được lượng khách quay lại chính là cơ sở để du lịch phát triển bền vững”, ông Kỳ nói.

Đồng tình, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch,  gợi ý trước mắt có thể nhìn thấy tiềm năng đầu tư các công viên chủ đề dạng Disneyland, Universal Studios ở khu vực Hà Nội và TP.HCM phục vụ cho cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

Chỉ cần nhà nước có chủ trương, quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư thì việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án này không khó.

Một công viên chủ đề thành công có thể giúp giữ chân du khách quốc tế được nửa ngày đến cả ngày, tạo điểm vui chơi mới lạ, hấp dẫn, đồng thời tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10% (chưa kể tiền khách sạn tăng thêm nhờ thời gian lưu trú lâu hơn).

Hà Mai


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày