VN-Index có lúc giảm gần 40 điểm, về dưới ngưỡng 890 điểm.
Áp lực bán tháo tiếp tục tăng vọt trên diện rộng ngay khi thị trường chứng khoánmở cửa phiên giao dịch 25/10 sau khi chỉ số VN-Index trong phiên liền trước giảm gần 17 điểm và xuyên thủng đáy quan trọng và nhanh chóng đánh mất xu hướng tăng trưởng dài hạn kéo dài trong hơn 2 năm qua.
Trong phiên sáng nay 25/10, VN-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn, có lúc giảm gần 40 điểm và rớt xa khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng về mặt tâm lý cũng như kỹ thuật: 900 điểm. VN-Index có lúc về dưới ngưỡng 890 điểm. HNX-Index giảm mạnh gần tương tự.
Tính từ giữa tháng 4 tới nay, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 310 điểm, tương đương giảm 26%, một mức giảm mà theo lý thuyết là đã khiến xu hướng thị trường đảo chiều hoàn toàn, từ tích cực sang xu hướng một thị trường giá xuống (bear market).
Tính chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi khoảng 40-45 tỷ USD, hiện còn khoảng dưới 130 tỷ USD.
Chứng khoán Việt Nam giảm giá trong bối cảnh Chính phủ phát ra tín hiệu thắt chặt tín dụng, trong đó có tín dụng cho bất động sản và chứng khoán. Nền kinh tế vẫn ghi nhận hàng loạt các chỉ số vĩ mô tích cực, nhưng dấu hiệu lạm phát tăng nhanh trở lại.
Để đảm bảo một nền kinh tế bền vững và tránh khỏi những áp lực gia tăng từ các cú sốc bên ngoài, việc thắt chặt cho vay là điều cần thiết, có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại đôi chút nhưng đảm bảo sự ổn định chung.
Một khi tín dụng được siết lại, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nói chung và các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nói riêng sẽ bị ảnh hưởng. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng cũng sẽ không còn cao kỷ lục như trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018.
Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản,... đều giảm mạnh trong vài phiên gần đây.
Các cổ phiếu dầu khí lớn cũng giảm mạnh do giá dầu giảm.
Áp lực bán tháo diễn ra trong bối cảnh các TTCK quốc tế trong phiên chiều và đêm qua giảm rất mạnh. Chứng khoán Mỹ một lần nữa bốc hơi hàng ngàn tỷ USD.
Bán tháo trên diện rộng.
Việc giới đầu tư lo ngại triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ năm 2019 đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 600 điểm, đánh mất mọi thành quả trong năm 2018. Giới đầu tư lo ngại cuộc giữa ông Donald Trump và Trung Quốc leo thang và có thể sẽ gây ra những hậu quả mà các thị trường tài chính thế giới không mong muốn.
Chứng khoán Mỹ chưa rơi vào xu hướng tiêu cực sau một chuỗi tăng giá kéo dài gần 10 năm. Tuy nhiên, đây là những tín hiệu xấu.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á đã đảo chiều từ một thị trường tăng (bull market) sang thị trường giảm (bear market) sau khi giảm hơn 20% từ đỉnh (xác lập cuối tháng 1/2018). TTCK giảm tệ hại nhất thế giới do những nỗ lực của chính phủ nước này đã không phát huy hiệu quả. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc liên tục giảm.
Trên TTCK Việt Nam, cú giảm giá khiến túi tiền của các NĐT bốc hơi mạnh. Nhiều tỷ phú mất hàng tỷ USD trong vài tháng qua như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang,...
Ở vào thời điểm hiện tại, so với đỉnh cao vốn hóa 170 tỷ đồng ghi nhận vào ngày 9/4 (khi VN-Index đạt trên 1.200 điểm), thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 26%, tương đương mất khoảng 44 tỷ USD trong vòng hơn nửa năm.
VN-Index từ mức 1.200 điểm về hiện tại còn 890 điểm. Thanh khoản cũng giảm chỉ còn khoảng 40-50% so với thời kỳ đỉnh cao kéo dài trong hơn 6 tháng từ quý 4/2017 tới qua quý 1/2018.
TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhạy cảm, chịu áp lực rút vốn từ xu hướng rút vốn chung trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt cũng chịu áp lực lớn khi đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD, ở mức cao hơn nhiều so với tốc độ giảm giá của đồng VND với USD.
Nguồn: M.Hà/ Vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC