Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP Hồ Chí Minh vẫn dang dở, trễ hẹn hoàn thành hơn 8 năm so với kế hoạch. Ảnh: Anh Tú
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nhiều hạng mục
Ngày 16.10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông báo kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mặc dù dự thảo đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xin ý kiến các chuyên gia và ban, ngành, nhưng một số nội dung vẫn còn sơ sài, chưa rõ ý; cụ thể là: Quy mô chương trình và Thứ tự ưu tiên hợp lí để đảm bảo đầu tư tập trung, có hiệu quả trong dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện chương trình.
Dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư 350.000 tỉ đồng trong 11 năm (2025-2035).
Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất theo từng giai đoạn cũng chưa rõ ràng, chưa thống nhất giữa các tài liệu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư Chương trình theo hướng chia theo từng nguồn và phân kì đầu tư theo giai đoạn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cũng chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lí để đảm bảo tập trung, có hiệu quả theo Luật Đầu tư công.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần bổ sung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên; rà soát từng nội dung/dự án để tránh trùng lặp với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đang thực hiện.
Góp ý của nhiều bộ, ngành khác
Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đính kèm một số văn bản của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và một số bộ, ban, ngành khác góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Trong đó, Bộ Nội vụ đánh giá con số 350.000 tỉ đồng tổng vốn thực hiện Chương trình là rất lớn, cần nghiên cứu rà soát kĩ trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế. Do đó, cần tính toán, dự kiến cụ thể ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Bộ Y tế đề nghị làm rõ nhiệm vụ cụ thể của mình trong chương trình phối hợp nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, điều kiện y tế cho người dân.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị đánh giá "một cách thận trọng các định hướng đầu tư" theo hướng giảm đầu tư hạ tầng, tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản về văn hóa.
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Thời báo ĐỨC