TS Đặng Tự Ân và học sinh Lào Cai. Ảnh: NVCC |
Chi đầu tư xây dựng cơ bản thấp so với nhu cầu
Với việc tập trung nguồn lực đáng kể dành cho GD-ĐT, Việt Nam đã đạt được những thành quả ấn tượng. 96,8% người trong độ tuổi đi học biết chữ, tỷ lệ nhập học ở giáo dục mầm non bắt buộc đạt 98,3%, gần chạm đến ngưỡng phổ cập hoàn toàn. Công bố trên của PISA đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà hoạch định chính sách giáo dục trên thế giới. Đạt được kết quả này ít nhất một phần nhờ cam kết cao của Chính phủ Việt Nam thể hiện trong tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT luôn ở mức xấp xỉ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Mặc dù vậy, bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng trị, Đại biểu Quốc hội khóa XV, vẫn bày tỏ trăn trở khi chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT chủ yếu dành cho chi thường xuyên, trong chi thường xuyên thì chi tiền lương chiếm trung bình 60%. Chi đầu tư có xu hướng giảm đi trong vài năm gần đây.
Trong các cấp học, chi ngân sách Nhà nước chủ yếu vẫn dành cho tiểu học và mầm non, chi cho giáo dục đại học (nếu trừ học phí) có xu hướng giảm ở giai đoạn 2011 - 2016. Xét về phân cấp, nhiệm vụ chi ngân sách cho GD-ĐT chủ yếu thuộc về ngân sách địa phương và chủ yếu là chi thường xuyên. Tỷ trọng chi ngân sách địa phương cho GD-ĐT có xu hướng giảm dần so với tỷ trọng chi ngân sách Trung ương cho lĩnh vực này.
“Các kết quả phân tích cho thấy, quyết toán chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT (nếu loại trừ học phí là phần đóng góp của người học) trong giai đoạn 2012 - 2016, chưa khi nào đáp ứng được 20% tổng chi ngân sách Nhà nước”. Cho biết điều này, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nhận định thêm: Hiện, chi đầu tư xây dựng cơ bản trong hoạt động GD-ĐT quá thấp so với nhu cầu. Vì vậy, việc nâng cao cơ sở trường học, mua sắm mới và đổi mới, nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế chất lượng dạy và học.
“Một thực tế ở địa phương cho thấy, cơ sở vật chất cho giáo dục chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng chuyên môn, nhà đa năng, các phòng chức năng. Ngoài ra, khu vực vệ sinh không đảm bảo, thiếu khu vui chơi giải trí... Như ở Quảng Trị, nguồn kinh phí đầu tư chủ yếu dựa vào chương trình mục tiêu. Hai năm qua, các chương trình mục tiêu đã hết hạn, chương trình mới chưa triển khai, nên càng khó cho một tỉnh nghèo. Vùng miền núi nơi tôi trúng cử đại biểu Quốc hội khó khăn càng nhiều hơn”, bà Hồ Thị Minh trăn trở.
Học sinh Trường THCS Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội trong giờ trải nghiệm. |
Cần đầu tư nhiều từ ngân sách
“Nghị quyết Đại hội Đảng XIII khẳng định vấn đề phát triển con người là một trong ba khâu đột phá chiến lược, thế nhưng chúng ta đầu tư 3,8% cho giáo dục - đào tạo thì làm sao thỏa đáng?”. Trăn trở này được đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XV. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng quan điểm và kiến nghị tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục cao hơn tỷ lệ 3,8% tổng vốn ngân sách Trung ương dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), nhận định: Do vốn đầu tư cho giáo dục thấp nên kinh phí đầu tư cho các ngành học, cấp học rất thấp so với các nước trong khu vực và cả thế giới. Trong khi Việt Nam đầu tư khoảng 0,33% GDP cho giáo dục đại học thì những nước ở trong khu vực có mức đầu tư thấp như Indonesia cũng chi ngân sách gấp đôi (khoảng 0,57%); Trung Quốc gấp 3 lần (0,87%); Australia gấp 5 lần (1,5% GDP); Phần Lan gấp 6 lần là 1,89%.
Theo ông Ân, nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 17,3%, thấp hơn so với Luật Giáo dục quy định phải tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục. “Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng theo từng năm thì không thể vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho giáo dục lại thấp được” - TS Đặng Tự Ân nhấn mạnh và cho rằng: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần sự đầu tư nhiều của ngân sách Nhà nước. Chúng ta mới đi được 1/3 “đoạn đường” thay sách và càng ngày càng cần nhiều kinh phí để đi hết hành trình cho tới năm 2025. Đơn cử, để không học sinh nào bị thiếu sách giáo khoa, chỉ có thể từ sự hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước mới mang lại công bằng, giải quyết bất bình đẳng cho phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, biên giới hay hải đảo.
TS Đặng Tự Ân cũng nêu một thực tế: Trong cơ cấu chi cho giáo dục của hộ gia đình, khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là học phí, học thêm (tới 52%). Như vậy, có thể thấy giáo dục đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu hộ gia đình Việt Nam. Từ thực tế trên, nhìn dưới góc độ chính sách, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách công về giáo dục để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục có thể đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Người dân Việt Nam có thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở, nhưng vẫn dành toàn bộ số tiền mình có để đầu tư giáo dục cho con. Giáo dục Việt Nam dù có mức đầu tư khiêm tốn, hiệu quả lại đang được đánh giá cao nhất. Do đó, nếu chúng ta không dành phần đầu tư thỏa đáng cho giáo dục có lẽ đi ngược lại so với mong muốn, mong đợi của người dân.
Trên quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển, TS Đặng Tự Ân đề xuất các giải pháp ưu tiên tập trung vào các mục tiêu. Theo đó, đầu tiên cần tập trung ưu tiên cho phổ cập giáo dục, không bỏ rơi bất kỳ trẻ khó khăn nào. Hướng nghiệp để phân luồng sau THCS cho số đông học sinh. Coi trọng và ưu tiên giáo dục miền núi, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng khó khăn khác.
Đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng - đây là đội ngũ quyết định chất lượng đổi mới giáo dục. Có cơ chế, chính sách ưu tiên trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu cho các trường học. Cải thiện đời sống tinh thần cho giáo viên và học sinh. Xây dựng môi trường học đường lành mạnh trên cơ sở phát triển mạnh mẽ việc xây dựng trường học hạnh phúc trong toàn ngành.
Đầu tư thấp trong so sánh quốc tế
TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) dẫn số liệu từ báo cáo tài chính giáo dục năm 2021 của Đức do cơ quan thống kê liên bang thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Khoa học liên bang; trong đó có một số dữ liệu về đầu tư tài chính cho giáo dục của Đức cũng như của các nước OECD và EU.
Cụ thể, tổng ngân sách chi cho giáo dục Đức năm 2018 là 4,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học (trình độ đào tạo 1 - 4) khoảng 3% và ngân sách chi cho giáo dục đại học (trình độ đào tạo 5 - 8) là 1,2%.
Tổng ngân sách chi cho giáo dục (tính trung bình) của khối OECD năm 2018 là 4,9% GDP.
Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học xấp xỉ 3,4%; ngân sách chi cho giáo dục đại học là 1,4%. Tổng ngân sách chi cho giáo dục (tính trung bình) của khối EU năm 2018 là 4,4% GDP.
Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học là 3,2%; ngân sách chi cho giáo dục đại học là 1,2%.
Theo số liệu của Việt Nam, hiện tổng đầu tư cho giáo dục là 3,8% GDP, trong đó đầu tư cho giáo dục đại học là 0,33% GDP. Từ các dữ liệu trên cho thấy, đầu tư cho giáo dục của Việt Nam thấp so với các nước OECD và EU. Đặc biệt là đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam là rất thấp trong so sánh quốc tế. Theo dữ liệu trên, đầu tư cho giáo dục đại học của Đức nhiều gấp 3,63 lần của Việt Nam nếu tính theo tỷ lệ GDP. Các nước OECD đầu từ bình quân cho giáo dục đại học gấp 4,2 lần Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Cường đồng thời cho rằng, nếu chú ý đến giá trị thực tế của GDP sẽ thấy rõ hơn sự khác biệt về đầu tư cho giáo dục trong so sánh quốc tế. Ví dụ GDP năm 2021 của Đức là 4.230 tỷ đô la, GDP của Việt Nam là khoảng 340,6 tỷ USD. Có thể tính ra mức tài chính đầu tư cho giáo dục đại học ở Đức là khoảng 50,6 tỷ đô la, ở Việt Nam là 1,12 tỷ đô la. Như vậy, đầu tư cho giáo dục đại học ở Đức tính theo số tiền thực tế gấp khoảng 45 lần Việt Nam, trong khi GDP của Đức năm 2021 gấp khoảng 12,5 lần Việt Nam.
Từ những so sánh trên có thể thấy, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa mức đầu tư cho giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt đối với giáo dục đại học. Nhấn mạnh điều này, theo TS Nguyễn Văn Cường, từ kinh nghiệm quốc tế, mặc dù tỷ lệ đầu tư cho giáo dục của các nước OECD hay EU cao hơn Việt Nam nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng cho việc phát triển giáo dục. Các nước đều phải tìm kiếm các nguồn lực khác nhau để tăng cường đầu tư cho giáo dục. Trong đó đầu tư công của nhà nước, địa phương, nguồn lực từ tư nhân, đầu tư quốc tế. “Việc tăng cường đầu tư cho giáo dục đi đôi với tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của cơ sở giáo dục, cũng như thực hiện các biện pháp bảo đảm chất lượng giáo dục” - TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.
Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, số học sinh phổ thông cả nước tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8 triệu học sinh, kéo theo ngân sách chi thường xuyên cho ngành Giáo dục sẽ tăng theo, tỷ lệ GDP dành cho giáo dục cũng không thể thấp hơn so với giai đoạn trung hạn cũ.
Hiện nay, phòng học bán kiên cố khối phổ thông có khoảng 64.297 phòng, đặc biệt 3.969 phòng học tạm, sẽ xuống cấp theo từng năm. Chỉ có thể kiên cố phòng học bằng ngân sách Nhà nước mà không thể huy động nguồn từ xã hội hóa vì các phòng học phi kiên cố này thuộc vùng đặc biệt khó khăn; đòi hỏi nguồn ngân sách không nhỏ để đầu tư, nâng cấp.
TS Đặng Tự Ân
Giáo dục và Thời đại
© 2024 | Thời báo ĐỨC