Đại sứ Trung Quốc: 'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước'

Nói về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - Hùng Ba, khẳng định đây không phải là dự án thương mại bình thường mà là dự án có sử dụng vốn của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước.

 

132 1 Dai Su Trung Quoc Duong Sat Cat Linh   Ha Dong Tuong Trung Cho Tinh Huu Nghi Giua 2 Nuoc

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không chỉ là dự án thương mại bình thường mà còn tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa có buổi tiếp đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Tại buổi tiếp, 2 bên đã trao đổi về tiến độ các dự án trọng điểm tại Hà Nội, trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, đại sứ Trung Quốc khẳng định dự án Cát Linh - Hà Đông không phải là dự án thương mại bình thường mà là dự án có sử dụng vốn của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời tượng trưng cho tình hữu nghị giữa 2 nước, do đó việc dự án kéo dài sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho cả hai phía.

Đại sứ Hùng Ba cũng khẳng định Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm và theo dõi tiến triển của dự án này. Phía Trung Quốc sẽ đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

“Dự án nhất định phải phù hợp với các yêu cầu trong hợp đồng và đảm bảo an toàn chất lượng không chỉ trong quá trình bàn giao mà còn cả vận hành về sau”, đại sứ Hùng Ba nói.

Đại sứ Hùng Ba cũng nhấn mạnh mục tiêu chung là hoàn thành xong dự án trong năm nay theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là năm kỷ niệm 70 năm quan hệ Việt - Trung và thời gian lý tưởng nhất là thời điểm tháng 10 như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ từng nêu.

132 2 Dai Su Trung Quoc Duong Sat Cat Linh   Ha Dong Tuong Trung Cho Tinh Huu Nghi Giua 2 Nuoc

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp đại sứ Trung Quốc Hùng Ba.

Cảm ơn những chia sẻ của đại sứ Hùng Ba, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định Hà Nội mong muốn có thể phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và tổng thầu Trung Quốc để thúc đẩy tiến độ, đưa dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, trong văn bản mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

Chia sẻ với báo chí, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong 13 chứng chỉ an toàn thì dự án Cát Linh - Hà Đông đã đạt được 12 chứng chỉ, còn chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế mới đánh giá được. Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp mới có thể thực hiện đánh giá.

Liên quan đến thông tin tổng thầu Trung Quốc có yêu cầu phía Việt Nam chi thêm 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng) để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vương Đình Huệ cho rằng đó là trao đổi giữa tổng thầu Trung Quốc và Bộ Giao thông vận tải, bản thân ông Huệ không nắm rõ về việc này.

Nói về các vướng mắc hiện nay của dự án, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết vướng mắc lớn nhất là thiếu các chuyên gia phía tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, theo ông Huệ, vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án cũng ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.

Nói về mốc thời gian cụ thể để đưa dự án vào vận hành, khai thác, Bí thư Vương Đình Huệ nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020.

"Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt. Hiện tổ công tác giữa Bộ Giao thông vận tải và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án này", ông Vương Đình Huệ nói.

 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án được khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong quý II/2019. Dù vậy, đến nay, dự án vẫn liên tục trễ hẹn và chưa biết bao giờ mới có thể vận hành thương mại.

 

Chí Bình

Nguồn: vietnamfinance.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày