Năm 2017, ông Phương kết hôn ở tuổi 39 với hoa hậu Bản Sắc Việt Thu Ngân (1996). (Ảnh: DV)
Cơ quan Cảnh sát điều Bộ Công an vừa ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 22 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS, CTCP Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan.
Trong đó, có ông Doãn Văn Phương, nguyên là Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Faros. Đây là một nhân vật rất quan trọng trong hệ sinh thái FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Ông Phương có trình độ thạc sĩ, cư trú tại Mỹ Đình, Hà Nội. Cũng giống như ông Trịnh Văn Quyết, ông Phương là cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội và là một trong những cổ đông sáng lập của FLC. Ông Phương có bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Giggs (Mỹ).
Sau đó, ông Phương công tác trong ngành Bưu điện, từng giữ chức Phó phòng tổng hợp Công ty Dịch vụ Vật tư Viễn thông Hà Nội - Bưu điện Hà Nội.
Ông Doãn Văn Phương giữ nhiều trọng trách tại hệ sinh thái FLC
Ông Phương từng giữ chức Tổng giám đốc FLC từ năm 2011 đến 5/2015. Sau đó, ông Phương được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị, nhưng cũng thôi chức vài tháng sau đó.
Nhiều năm sau, ông Phương giữ các vị trí chủ chốt tại một loạt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC như Chủ tịch HĐQT CTCP Nông dược H.A.I; Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS). Có một khoảng thời gian ông Phương còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá FLC Thanh Hóa.
Năm 2017, ở tuổi 39, ông Phương kết hôn với hoa hậu Bản Sắc Việt Thu Ngân (1996). Lễ ăn hỏi được truyền thông đưa tin khá rầm rộ với màn tặng vợ siêu xe Rolls-Royce Wraith, trị giá khi đó khoảng 18 tỷ đồng. Trong lễ ăn hỏi, theo Dân Việt, xuất hiện dàn xe đắt tiền gồm bộ đôi Rolls-Royce, siêu xe Ferrari, một chiếc Bentley cùng Maybach.
Tuy nhiên, theo Ngôi sao, Hoa hậu Thu Ngân sau đó đã ly hôn với đại gia này vào năm 2021 nhưng chỉ công bố vào giữa năm 2022.
Doãn Văn Phương - đại gia trong hệ sinh thái nhiều sai phạm FLC
Ông Doãn Văn Phương giữ nhiều trọng trách tại hệ sinh thái FLC
Là một trong những cổ đông sáng lập của FLC, ông Phương đã trải qua rất nhiều vị trí lãnh đạo trong tập đoàn và hệ sinh thái FLC.
Ông Phương là Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Faros (ROS) - một doanh nghiệp tai tiếng bậc nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với cú nâng khống vốn dưới bàn tay “pháp sư” Trịnh Văn Quyết.
ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và là yếu tố giúp ông Quyết vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 chớp nhoáng trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.
Trong vài năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo thị trường khi lọt vào rổ VN30 và sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, qua đó giúp cựu Chủ tịch Quyết có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ông Phương là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc FLC từ năm 2011 đến tháng 5/2015 và là Chủ tịch HĐQT FLC Faros từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2016. Năm 2016, ông Phương từng đứng thứ ba trong danh sách cổ đông nắm giữ tại ROS với 500.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,12%.
Sau đó, ông Phương không còn giữ vị trí gì ở Faros nhưng cựu chủ tịch vẫn có những lần lướt sóng cổ phiếu ROS. Đại gia gốc Thanh Hoá mua vào rồi bán ra hàng chục nghìn cổ phiếu ROS trong vòng một tuần, hồi tháng 11-12/2021 khi vào một đợt tăng mạnh. Lúc đó, em trai ông Phương là ông Doãn Việt Hoàng còn là thành viên Ban kiểm soát của FLC Faros.
Ngay từ khi được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 1/9/2016, cổ phiếu ROS đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp, ROS liên tục tăng rất nhanh và đạt mức 100.000 đồng/cp chỉ vài tháng sau khi lên sàn.
Sự điên cuồng nhất của cổ phiếu ROS là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9/2017 đến đầu tháng 11/2017. Giới đầu tư ngỡ ngàng khi cổ phiếu của một công ty xây dựng không mấy tên tuổi, liên tục tăng gấp 10 rồi tăng thêm hơn gấp đôi lên mức gần 215.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2017.
Từ đầu năm 2018, ROS bắt đầu giảm giá mạnh sau khi doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với kết quả năm 2017.
Chỉ trong vòng 1 năm kể từ đỉnh cao hồi tháng 11/2017, cổ phiếu này giảm khoảng 5 lần. Tới cuối năm 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).
Tuy nhiên, ROS vẫn được xem là một cổ phiếu “có lái”, biến động rất mạnh, không theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và khiến nhiều người thắng hoặc thua lỗ nặng.
Tới đầu 2022, ROS lại leo lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cp, trước khi về mức 2.500 đồng/cp ở thời điểm trước lúc bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022.
ROS được biết đến là nhà thầu xây dựng phần lớn dự án nghỉ dưỡng, bất động sản của Tập đoàn FLC. Doanh nghiệp này có những năm ghi nhận lợi nhuận khá cao. Dù vậy, doanh nghiệp này chưa năm nào trả cổ tức bằng tiền mặt.
Hậu hủy niêm yết, 568 triệu cổ phiếu ROS chưa được giao dịch trên Upcom như các cổ phiếu bị hủy niêm yết khác do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải xem xét hồ sơ sau khi có kết luận của cơ quan chức năng. Nhiều nhà đầu tư chưa thể “thoát hàng” khi ôm cổ phiếu ROS.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2016, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên Chủ tịch Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS), thực góp chỉ là hơn 1.197 tỷ đồng.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại HOSE.
Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Từ tháng 9/2016-3/2022, ông Trịnh Văn Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.
Ông Quyết chỉ đạo bà Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu về 4.818 tỷ đồng.
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet
© 2024 | Thời báo ĐỨC