Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong một chuyến thị sát nhà máy nước sông Đuống. Đứng bên cạnh ông là shark Liên (Ảnh Phùng Bắc/LĐO)
Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong một chuyến thị sát nhà máy nước sông Đuống. Đứng bên cạnh ông là shark Liên (Ảnh Phùng Bắc/LĐO)
Xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội một ngày thường. Người đàn ông ngồi xổm trước nhằng nhịt những máy bơ, ống dẫn. Nước ngầm được bơm lên, qua lần lọc bằng cát, lọc than hoạt tính, lại máy lọc RO. Lõi lọc vừa mới thay 2 tháng đã cáu bẩn, đen xì.
Đàm Trọng Song, một người dân tháo lõi lọc ra. Chỉ 1 phút sau, bàn tay anh bám dính một lớp nước màu đen kịt, mùi nồng xộc lên tận mũi.
Đàm Trọng Song là một trong 250 ngàn hộ/1 triệu dân ở 4 huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thanh Oai và Mỹ Đức - khu vực chỉ cách trung tâm TP 40km đang khát nước sạch từ hàng chục năm nay.
Và khi ngay cả nước ngầm cũng khan hiếm, Song đã phải dùng đồng thời 3 giếng khoan với 9 máy bơm để tìm kiếm nước ăn cho gia đình.
Ở Thủ đô mà khổ quá.
“Tôi tin, dùng nước nhiễm mặn, dùng nước chưa sạch thì da cũng không thể đẹp, không thể sạch được...”- Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào tháng 6 năm ngoái nói trong phiên giải trình về cung cấp nước sạch cho dân.
Hôm đó, rất hùng biện, ông Chung nói về việc phải đóng sớm 300.000 giếng khoan nông thôn, nơi không ít bị nhiễm thạch tín, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm. Hôm đó, cựu Chủ tịch nhắc tới danh mục các dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt, tới “công nghệ Đức”…
Tháng 11 năm ngoái, khi báo chí bóc mẽ “công nghệ Đức” tại Nhà máy nước sông Đuống trong vụ lùm xùm giá nước sông Đuống 10.246 đồng/m3, đắt gấp đôi nước sông Đà, cũng Chủ tịch Chung lên tiếng khẳng định đó là nhà máy hiện đại nhất, khẳng định “Không có lợi ích nhóm nào ở đây cả”.
Hôm nay, dân vẫn khát, và câu chuyện đầu tư Nhà máy nước sông Đuống với giá thành đắt đỏ, 60% đi vay và giá nước bổ đầu dân lại được nhắc lại.
Đúng. Những câu hỏi của dân rất cần có những câu trả lời.
Rằng tại sao lại chấp nhận một dự án 5.000 tỉ, đắt gấp hơn 3 lần dự án nhà máy nước sông Đà.
Tại sao dân phải chịu giá 10.246 đồng/m3 và 7% tăng mỗi năm.
Và tại sao dân lại phải gánh trong giá thành cả lãi suất của 60% tiền vay trong con số 5.000 tỉ kia.
Trong phóng sự của VTC về gia đình anh Song và cơn khát của cả triệu dân Hà Nội có nhân vật chị Hiện ngồi soạn đồ ăn cho bữa trưa.
Và chị bảo thôi thì khuất mắt trông coi. Ai biết trong nước có chất độc gì. Ăn vào độc hại nhưng làm gì còn nước nào mà dùng nữa.
Tâm sự thật bẽ bãng và bất lực.
Nhất là nếu cơn khát và sự bất lực của hàng triệu dân thật sự lại trở thành một thứ con tin cho những cú bắt tay, trở thành cái cớ cho những nhà máy nước với những “sứ mệnh” và “cái tâm” chỉ được nói ra cho có!
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Thời báo ĐỨC