Tàu chiến HMS Argyll của Hải quân Anh tham gia diễn tập với Hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 1/2019. Ảnh: US Navy
Sự nhất quán của 3 nước lớn châu Âu
Ngày 16/9, Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc. Công hàm chung nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, 'quyền lịch sử' Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.
Theo đó, Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) khẳng định ngay từ đầu công hàm các nước này lên tiếng với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh công ước này là "khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương".
Mặc dù công hàm chung tái khẳng định E3 không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, việc chỉ ra những cái sai của Trung Quốc là một hành động rất có ý nghĩa.
Công hàm của Anh, Pháp và Đức khẳng định đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa của Việt Nam và "quyền lịch sử" mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS.
"Các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS", công hàm chung nhấn mạnh đồng thời khẳng định "quyền lịch sử" mà Trung Quốc nêu ra đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Theo nhóm E3, phần II và phần IV của UNCLOS đã quy định đầy đủ và rõ ràng cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc - một quốc gia lục địa - tự ý vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa (PV - thuộc chủ quyền của Việt Nam) là "không có cơ sở pháp lý".
Hoạt động bồi đắp và cải tạo các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS.
"Các tranh chấp yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp đã được đưa ra trong UNCLOS", công hàm của E3 kêu gọi.
"Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước", công hàm kết thúc.[1]
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh được cho là sẽ tới Biển Đông vào năm tới - Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh
Trung Quốc ngang ngược "phản pháo"
Để phản hồi vấn đề này, ngày 18/8, Trung Quốc đã gửi công hàm CML/63/2020 đáp trả công hàm chung Pháp - Anh - Đức gửi Tổng thư ký LHQ trước đó 2 ngày thể hiện quan điểm của mình đối với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại LHQ liên quan đến hồ sơ mở rộng thềm lục địa của Malaysia trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ (CLCS) ngày 12/12/2009.
Theo đó, Trung Quốc ngang ngược cho rằng UNCLOS không phải là tất cả. Ngoài UNCLOS còn có luật quốc tế chung. Khoản 8 Lời nói đầu của UNCLOS ghi nhận “các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung”. Luận điểm này đã được Trung Quốc phát triển sau Phán quyết Biển Đông 2016 và được Thứ trưởng Ngoại giao La Chiến Huy phát biểu chính thức tại hội thảo quốc tế về “Biển Nam Trung Hoa từ viễn cảnh hợp tác” tổ chức ở đảo Hải Nam ngày 2/9.
Công hàm của Trung Quốc không trả lời điểm 4 và 5 công hàm Pháp - Anh - Đức về quy chế các đảo và yêu sách quyền lịch sử. Công hàm 3 nước khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biển theo UNCLOS. Công hàm phái đoàn Trung Quốc chỉ nhắc lại chủ quyền lãnh thổ và các quyền về biển của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị phương hại dưới bất kỳ hoàn cảnh nào do phán quyết bất hợp pháp về Biển Đông.
Điểm 4 công hàm Trung Quốc thông báo Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua tham vấn hữu nghị với các nước có liên quan trực tiếp. Trung Quốc và ASEAN cam kết thực hiện toàn bộ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
Thế nhưng thực tế cho thấy, DOC đã không phát huy được tác dụng kiềm chế không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không ngăn được các hoạt động mở rộng chiếm đóng và cải tạo đất. Sự thất bại của DOC buộc các nước phải tìm đến một COC mới nhưng đàm phán vẫn diễn ra rất khó khăn trong khi các tàu cá của Việt Nam, Philippines luôn gặp nạn, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển các nước ven biển vẫn luôn bị đe dọa.[2]
Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông ngày càng gay cấn
Công hàm này nêu đàm phán hiện tại về văn kiện pháp lý bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học biển trong các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) mà Trung Quốc tích cực tham gia như một ví dụ về sự phát triển và hoàn thiện của UNCLOS.
Thực tế, UNCLOS là một hiến chương về biển, bao gồm các quy định chung cho tất cả các vùng biển và các lĩnh vực hoạt động biển. Lời nói đầu của Công ước về các đàn cá di cư xa năm 1995 và văn bản đàm phán BBNJ từ năm 2018 đều nêu rõ các tài liệu này được lập trên cơ sở của UNCLOS, trong khuôn khổ do UNCLOS quy định, phù hợp với UNCLOS và không làm phương hại đến các quyền, thẩm quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia theo UNCLOS.
Vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia được xác định trên cơ sở phân định rõ các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Các vấn đề đường cơ sở và quy chế của các đảo, thực thể nổi là những vấn đề đã có quy định của UNCLOS sau 9 năm đàm phán. UNCLOS là một giải pháp cả gói, đòi hỏi sự nhất quán trong giải thích và áp dụng và không chấp nhận ngoại lệ riêng.
Đã từ lâu, các nước trên thế giới không công nhận lập luận của Trung Quốc là đã có một tập quán quốc tế về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng quần đảo cho các quần đảo của quốc gia ven bờ. Họ cũng không thừa nhận việc vẽ đường cơ sở quần đảo cho Nam Hải chư đảo (Tứ Sa) hay Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa (theo các tên Trung Quốc gọi các đảo ở Biển Đông) sẽ coi các vùng nước nằm bên trong con đường cơ sở tự vạch đó là vùng nước quần đảo.
Trung Quốc có thể lập ra các hành lang hàng hải đi qua “vùng nước quần đảo” tự xưng và quyền tự do qua lại của các nước sẽ bị hạn chế hoặc cấm đoán. Phản ứng của các nước này đã đi xa hơn tuyên bố của Mỹ khi họ không chỉ phản đối việc áp dụng đường cơ sở quần đảo mà cả việc áp dụng các quy định về chế độ pháp lý vùng nước quần đảo của phần 4 cho các thực thể ở Biển Đông.
Trong công hàm ngày 16/9, Pháp, Anh và Đức thêm một lần nữa khẳng định các quy định về chế độ pháp lý của các đảo theo điều 121 của UNCLOS là áp dụng cho các địa thể đất nổi hình thành tự nhiên. Vì vậy, các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể theo UNCLOS. Đây cũng là kết luận của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và nội dung các công hàm của Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Australia và Mỹ gần đây.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi 3 nước bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử và nhắc lại Phán quyết đã khẳng định rõ ràng trên những điểm này. Cả 3 nước cũng không quên nhắc lại rằng Công hàm chung phản ánh quan điểm pháp lý truyền thống nhất quán của mình và quan điểm này chỉ bổ sung thêm chứ không làm ảnh hưởng gì đến các tuyên bố trong quá khứ, cả trong quan hệ song phương và quan hệ với các nước thành viên Công ước luật biển khác. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/anh-phap-duc-cung-goi-cong-ham-phan-bac-yeu-sach-trung-quoc-tren-bien-dong-20200917144147532.htm
[2] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/trung-quoc-phan-phao-cong-ham-chung-phap-anh-duc-ve-bien-dong-675035.html
[3] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cong-ham-chung-phap-anh-duc-va-cuoc-chien-phap-ly-tren-bien-dong-674593.html
B.T (tổng hợp)
Nguồn: enternews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC