Cư dân HH Linh Đàm khổ sở lấy từng bình nước sạch sau vụ việc nước sạch có mùi khét nghi do dầu thải ở nguồn nhà máy nước sạch sông Đà . (Ảnh: VTC).
Nhiều người dân bị tiêu chảy nghi do sử dụng nước sạch bị ô nhiễm
Những ngày này, hàng vạn người dân ở phía Tây Nam Hà Nội vẫn đang mong ngóng kết quả kiểm nghiệm về nước sạch từ khi phát hiện có mùi khét.
Mặc dù nguyên nhân chưa được cơ quan chức năng đưa ra nhưng vừa qua việc người dân ở gần nhà máy nước sạch sông Đà (Hòa Bình) cũng là nơi cung cấp nước sạch cho Hà Nội đã bất ngờ phát hiện xe tải đổ trộm dầu thải ra dòng suối gần đó.
Từ đó người dân càng có lý do lo lắng hơn bởi dòng suối nhiễm dầu là nơi có nguồn nước cung cho nhà máy nước sông Đà để sản xuất nước sạch cung cấp về Hà Nội. Trước những thông tin trên nhiều người rất bức xúc và cho rằng, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà phải chịu trách nhiệm vì phát hiện nước có dầu vẫn sử dụng sản xuất nước sinh hoạt cho người dân.
Cũng liên quan đến việc nước sạch ở Hà Nội có mùi khét, phản ánh đến báo chí nhiều người dân tại khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai) cho biết, một số người lớn, trẻ nhỏ đã bị bệnh ngoài da và tiêu chảy nghi do sử dụng nước sạch "nhiễm dầu" này.
VTC dẫn lời Bà Lâm Thị Gái (trú tại tòa nhà HH2C Linh Đàm) phản ánh: 2 cháu nhỏ của bà Gái mới bị bệnh tiêu chảy, nôn khi ăn, uống.
"Bé trai lớn 6 tuổi và bé gái 2 tuổi đều bị sốt và khi ăn, hay uống nước máy sông Đà đã qua máy lọc thì đều bị nôn, tiêu chảy, khiến mọi người trong gia đình tôi rất lo lắng", bà Gái phản ánh.
Theo bà, sau khi phát hiện nước có mùi lạ, gia đình đã dùng nước máy lọc. Tuy nhiên, nước vẫn không thể hết mùi và khi 2 đứa cháu bị bệnh khiến mọi người nghi ngờ có thể là do nguồn nước hoặc thời tiết.
Thật khó tin khi biết đây là dòng nước mà gần nhà máy nước sạch sông Đà. (Ảnh: CTV).
Chung tâm trạng lo sợ, ông Nguyễn Văn Tiến (70 tuổi) cho biết, mấy ngày nay ông và đứa cháu nội gần 1 tuổi bị ho, đau họng, khiến mọi người trong gia đình có thể là bắt nguồn từ nước. "Nguồn nước của gia đình tôi qua máy lọc nhưng vẫn còn mùi lạ, và khi đun nước sôi để uống thì vẫn không hết. Đây có thể là nguyên nhân khiến hai ông cháu tôi bị ho, đau họng", ông Tiến chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Đỗ Hải, Ban đại diện HH1B cho biết: Những ngày vừa qua khi nước máy sông Đà có mùi lạ, ở nơi đây cũng bắt đầu xuất hiện các bệnh như tiêu chảy, ghẻ lở.... đối với đa phần các cháu nhỏ ở trong khu HH. "Nhiều cháu bị đau mắt, da chân tay khô... đây có thể là nguyên nhân do nước máy bị ô nhiễm", anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải để giải quyết tình trạng này, trước mắt, cơ quan chức năng chính quyền cần thông tin cho người dân về chất lượng nước máy của Công ty sông Đà đang cung cấp.
"Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố thông tin nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi khám sức khỏe, thau rửa bể nước...", anh Hải chia sẻ.
Anh Hải cho biết, hai ngày qua, người dân nơi đây được cung cấp nước sạch miễn phí từ nguồn vốn xã hội hóa, chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chính quyền địa phương. Vì vậy, anh Hải cho rằng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều ban ngành để người dân vượt qua cơn "khát nước" sạch này.
Tổng giám đốc nước sạch sông đà vẫn khẳng định nước sạch "đảm bảo chất lượng"
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà ( Viwasupo) cho biết: Ngày 9/10 bộ phận vớt rong rêu của công ty phát hiện vết dầu loang trên hồ nên đã thông báo với lãnh đạo.
Ngay sau đó, công ty đã phản ứng nhanh, huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên và thuê người dân bên ngoài làm vệ sinh, dùng phao chuyên dụng để quây không cho lan vào khu bể ngăn lấy nước.
Đồng thời, công ty đã dừng xử lý nước, tập trung vớt toàn bộ dầu loang và khi xác định rõ ràng không dầu còn nữa mới bắt đầu cho xử lý nước lại.
Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà. (Ảnh: VNE).
Trả lời câu hỏi vì sao ngày 9/10 công ty đã nắm được thông tin nhưng phải đến ngày 14/10 công ty mới có báo cáo gửi Sở Xây dựng về vấn đề trên thì ông Tốn khẳng định công ty không bưng bít thông tin mà đã báo chính quyền và mời công an vào cuộc.
Ngoài ra, ông Tốn cũng cho biết thêm, với khách hàng, công ty đã có thông báo là có mùi clo rồi và có gửi kết quả xét nghiệm nội kiểm cho khách hàng. Việc người dân phản ánh nước có mùi lạ chỉ là cảm nhận.
Nói về việc người dân ngửi thấy mùi cháy khét, ông Tốn cho rằng đó là mùi clo cao. Tuy nhiên, công ty vẫn đang nghiên cứu và vẫn đang làm việc với các ban ngành liên quan để làm rõ vấn các vấn đề liên quan.
Việc dầu thải bị đổ trộm ở đầu nguồn có bị lọt vào khu xử lý nước không, ông Tốn cho biết: "Để khẳng định 100% là không lọt thì không dám, nhưng chúng tôi khẳng định chất lượng nước nhà máy sản xuất ra với kết quả công ty kiểm nghiệm hàng ngày đều cho ra kết quả đảm bảo”.
Theo ông Tốn, có thể khẳng định 100% chất lượng nước từ ngày 9/10 đến nay là đảm bảo. "Kết quả nước ở đây là dựa vào kết quả kiểm nghiệm của công ty với số liệu cụ thể. Không phải là công ty không công bố mà vì lúc đó có đoàn thanh tra nên công ty cũng muốn có kết luận của đoàn thanh tra.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước việc Viwasupo thừa nhận có váng dầu và châm tăng hóa chất trong nước sản xuất, khiến hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội phải sử dụng nước nồng nặc mùi lạ trong những ngày qua, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Cơ quan chức năng cần làm rõ chất lượng của nguồn nước và xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.
Theo luật sư, hành vi này hết sức tắc trách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp đơn vị cung cấp nước sạch (Viwasupco) xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.
“Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự,” Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, nhiều người còn khẳng định chắc chắn phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.
Luật sư Cường khẳng định có đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Hiện nay, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Nguồn: Báo SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
© 2024 | Thời báo ĐỨC