Covid-19: Không để bùng phát làn sóng thứ 3

Dù thành công bước đầu trong việc phòng chống Covid-19 nhưng Việt Nam chưa thật sự an toàn trong cuộc chiến với đại dịch này, nhất là khi về cuối năm, thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh lây lan.

Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với 35,1 triệu ca mắc và 1,03 triệu người tử vong. Trong ngày 4-10, thế giới đã tăng hơn 320.000 ca mắc và hơn 5.200 người tử vong.

Có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7-2020. Đến nay, qua 32 ngày liên tiếp, cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nếu lơ là, mất cảnh giác thì thời gian tới, Việt Nam tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng và có thể bùng phát thành đợt dịch mới. Bên cạnh đó, nguồn bệnh có thể xâm nhập từ nước ngoài do người nhập cảnh hợp pháp hoặc trái phép. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc-xin.

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã lưu ý lãnh đạo các địa phương về việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mục tiêu kép - vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.

 

132 1 Covid 19 Khong De Bung Phat Lan Song Thu 3

Người dân cần thực hiện các hướng dẫn an toàn để phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: LÊ BẢO

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị và người dân không lơ là mà cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, gia tăng sự chủ động phòng tránh, kiên quyết không để xảy ra nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 3 dịch Covid-19 ở nước ta.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới song tại một số nơi, ngay cả trong một số cơ quan của nhà nước và trong nhân dân đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã phê bình 6 quận, huyện (Hà Đông, Gia Lâm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Đông Anh) có biểu hiện chủ quan trong phòng chống Covid-19. Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, dù thủ đô đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng đã có tình trạng người dân chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổ chức sự kiện tập trung đông người.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cũng nhận định công tác phòng chống dịch Covid-19 sắp tới sẽ khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo: "Mùa đông 2020 sẽ khốc liệt trong phòng chống dịch Covid-19 do chưa có vắc-xin điều trị rộng rãi".

Đến thời điểm này, chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất. Trong khi đó, WHO từng đưa ra cảnh báo không được chủ quan về khả năng lây lan của Covid-19 vì đại dịch này sẽ là một "làn sóng lớn" chứ không mang tính chất như bệnh cúm thông thường, chỉ diễn biến theo mùa.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế - xã hội của tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu kép dựa trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn. Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 2 trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. "Trong phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, Bộ Y tế gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Từ những bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nội..., lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị mỗi địa phương phải rà soát, kiểm tra lại tất cả hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã "chấm điểm" gần 1.400 cơ sở y tế về tiêu chí phòng chống dịch Covid-19. Trong số các cơ sở y tế tự đánh giá, có 1.089 bệnh viện an toàn, 263 bệnh viện an toàn ở mức thấp và 28 bệnh viện không an toàn. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong bối cảnh dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không tổ chức quyết liệt các biện pháp cách ly, khoanh vùng, theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh thì Việt Nam sẽ thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh bài học ở Bệnh viện Đà Nẵng: Chỉ cần để lọt bệnh nhân Covid-19 sẽ khiến hệ thống khám chữa bệnh tê liệt. Bệnh nhân có bệnh nền rất dễ bị tổn thương và gia tăng nguy cơ tử vong.

Dù Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh nhưng PGS-TS Trần Ðắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng đây chưa phải là thời điểm có thể khẳng định Việt Nam đã an toàn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện những hướng dẫn an toàn: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; thực hiện khai báo y tế đầy đủ...

"Chúng ta luôn hỏi dịch bao giờ kết thúc? Các chuyên gia cho rằng ít nhất phải gần 2 năm nữa. Chờ tới khi có vắc-xin, mọi người đều phải nâng cao ý thức để phòng bệnh cho bản thân và những người xung quanh" - ông Trần Ðắc Phu khuyến cáo.

 

Ngọc Dung

Nguồn: nld.com.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày