Công ty cổ phần Bất động sản thế kỷ (Cen Land - mã chứng khoán: CRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với kết quả sụt giảm mạnh.
Trong quý vừa qua, doanh nghiệp đạt 330,6 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Mức doanh thu quý IV/2023 tăng mạnh nhưng lũy kế doanh thu thuần của năm 2023 chỉ đạt 932,6 tỷ đồng, giảm 73,2% so với năm 2022.
Nguồn thu từ hoạt động tài chính trong quý IV/2023 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 62%. Thu nhập khác cũng giảm mạnh từ 8,2 tỷ đồng xuống mức 656 triệu đồng trong khi chi phí khác trong quý vừa qua lên tới 3,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý vừa qua ở mức 1,2 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 62,6 tỷ đồng của năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh gặp khó nên mức lãi cả năm 2023 của Cen Land còn 2,5 tỷ đồng, giảm tới 98,7% so với năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 7.108,5 tỷ đồng, giảm 6,7% so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn ở mức 4.101,9 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng tài sản, giảm 3,9% so với đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn cũng ở mức 1.763,7 tỷ đồng, chiếm 24,8%.
Như vậy, tổng giá trị các khoản phải thu chiếm tới 82,5% tổng tài sản của Cen Land tại thời điểm cuối năm. Tỷ trọng này hồi đầu năm ở mức 83,7%.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy phần lớn các khoản phải thu này chủ yếu bao gồm các khoản tiền đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng mà công ty đã trả cho các chủ đầu tư, để thực hiện vai trò tổng đại lý phân phối sản phẩm bất động sản hình thành từ các dự án.
Mặc dù lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022 nhưng báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh được cải thiện từ mức âm 2.364,3 tỷ đồng lên 37,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là Cen Land tăng các khoản phải thu trong năm 2023.
Nhờ tăng các khoản phải thu nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Cen Land năm 2023 ghi nhận giá trị dương (Ảnh: BCTC).
Tuy nhiên việc tăng phải thu do đặt cọc cho các đối tác cũng có rủi ro với doanh nghiệp. Báo cáo cho thấy nợ xấu của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2023 có giá gốc là 107,5 tỷ đồng đến từ phải thu khó có khả năng thu hồi. Nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ là 11,9 tỷ đồng.
Các khoản phải thu khó thu hồi này đến từ các đối tác như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Lê Phong, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (doanh nghiệp liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát), Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Nợ xấu từ các khoản phải thu khó có khả năng thu hồi tại cuối năm của doanh nghiệp lên tới 107,5 tỷ đồng (Ảnh: BCTC).
Công ty này duy trì tỷ lệ đòn bẩy thấp. Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả ở mức 1.489 tỷ đồng, giảm 25,6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 5.619,5 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC