Lắp ráp tivi Asanzo ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: PV
Trong đó có các đơn vị như Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Sở KH-ĐT và Cục Thuế TP.HCM.
Lý giải về doanh nghiệp "ma"
Về các doanh nghiệp "ma", bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải nộp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với trụ sở đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không có quyền yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ ngoài quy định. Từ thông tin của báo Tuổi Trẻ cung cấp, phòng đăng ký kinh doanh đã chuyển đến UBND quận, huyện để phối hợp kiểm tra, xử lý. Việc xử lý căn cứ quy chế phối hợp ban hành kèm theo quyết định số 33/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 6-9-2016.
Ngày 22-5-2019, Cục Hải quan TP.HCM có văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ về việc hàng loạt công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc cung cấp cho Asanzo.
Theo đó, hải quan cho biết hiện nay chưa có căn cứ để xác định địa chỉ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc cung cấp cho Asanzo không có thật hoặc giám đốc "ảo".
Theo quy định hiện hành, việc thành lập doanh nghiệp rất dễ, thuê người làm giám đốc nhập vài lô hàng rồi ngừng hoạt động nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đang là thực trạng đòi hỏi phải thay đổi chính sách để quản lý chặt chẽ hơn.
Cần làm rõ về nghĩa vụ thuế
Liên quan đến vấn đề thuế, Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành thẩm tra, xác minh, đồng thời có văn bản phối hợp với Cục Thuế TP xác minh báo cáo, quyết toán thuế hằng năm của các doanh nghiệp này.
Hải quan cũng đã đưa một số doanh nghiệp mà báo Tuổi Trẻ nêu vào diện quản lý trọng tâm.
Mặc dù hiện chưa có đủ căn cứ xác định doanh nghiệp tháo rời máy lạnh nguyên chiếc để khai báo linh kiện nhằm trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm tra chất lượng nhà nước, nhưng Cục Hải quan TP.HCM cũng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm tra sau thông quan thu thập thông tin, quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp theo quy định.
Một trong những vấn đề lớn trong vụ Asanzo được dư luận quan tâm là khả năng Nhà nước bị thất thu thuế rất lớn.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và linh kiện tivi, máy lạnh cung cấp cho Asanzo có xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế đầy đủ không?
Các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo có kê khai hóa đơn đầu vào, doanh thu, nộp thuế đầy đủ không?
Các nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết một số doanh nghiệp là nhà cung cấp cho Asanzo không kê khai nộp thuế. Có tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động một thời gian thì ngừng hoặc tạm ngừng.
Cục Thuế TP.HCM dẫn điều 8 Luật quản lý thuế 2006 quy định: "Giữ bí mật thông tin người nộp thuế theo quy định của luật này" trả lời báo Tuổi Trẻ. Do đó, tất cả thông tin về việc kê khai, nộp thuế của Asanzo và các doanh nghiệp có liên quan đều được... "bảo mật".
Ngày 18-5-2019, báo Tuổi Trẻ có công văn số 181/CV-BTT gửi thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị phỏng vấn những nội dung liên quan đến hàng điện tử giả nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ văn phòng Ban chỉ đạo 389.
Nhập linh kiện hiệu Asanzo từ Trung Quốc
Qua điều tra chúng tôi phát hiện một doanh nghiệp khác nhập linh kiện máy lạnh ghi sẵn nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Việc này cho thấy máy lạnh Asanzo bán trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Cụ thể, cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Công ty TNHH hợp tác đầu tư Thạch Sơn đã nhập số lượng rất lớn linh kiện lắp ráp máy lạnh nhãn hiệu Asanzo do Công ty Ningbo Aux (Trung Quốc) cung cấp.
Ngoài linh kiện máy lạnh, Công ty Thạch Sơn còn nhập số lượng lớn máy làm mát không khí hiệu Asanzo và linh kiện máy làm mát không khí từ Công ty Ningbo Aux như: vỏ nhựa, thùng đựng nước, vỏ chụp đèn...
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC